Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam

H.Đ| 28/05/2014 07:00

(HNMO) - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cùng tham dự với các chuyên gia nông nghiệp đến từ trụ sở chính của Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế tại Colombia, Nam Mỹ, châu Phi và châu Á để chính thức khởi động một Chiến lược nghiên cứu toàn cầu mới nhằm tăng cường an ninh lương thực và hiệu quả sinh thái tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.


Với kinh nghiệm hoạt động cùng CIAT từ năm 1999, Tiến sỹ Nguyễn Văn Bộ, viện trưởng Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ: “Sứ mệnh xoá đói giảm nghèo, cải thiện dinh dưỡng cho con người ở các vùng nhiệt đới thông qua nghiên cứu nhằm tăng hiệu quả sinh thái nông nghiệp của CIAT rất phù hợp với tình hình hiện nay tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.”

Theo Tiến sỹ: “Cơn lốc đô thị hoá, sức ép từ gia tăng dân số và sự tăng nhanh về giá trị tài sản của người tiêu dùng đang gây áp lực lên tài nguyên nông nghiệp trên toàn khu vực. Hoạt động nông nghiệp cần được cải thiện để giải quyết nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, đồng thời hạn chế sử dụng tài nguyên, giảm thiểu những tác động xấu lên môi trưởng để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.”

Chiến lược mới của CIAT chỉ ra tầm quan trọng của cây sắn, các loại thức ăn chăn nuôi và việc quản lí đất bền vững để đạt mục tiêu hiệu quả sinh thái ở châu Á. Sắn là cây lương thực quan trọng đứng thứ 3 trong vùng nhiệt đới chỉ sau lúa và ngô. Nhiều giống sắn của CIAT đã được các cơ quan nghiên cứu trong khu vực chọn tạo và ngày nay đã được trồng trên hơn 50% diện tích trồng sắn ở khắp khu vực.

Khi được gieo trồng hợp lý, sắn có hiệu quả sử dụng tài nguyên cao, thích ứng thông minh với khí hậu, có tiềm năng tạo ra thu nhập cho người nghèo, là nguyên liệu thô cho các ngành công nghiệp chế biến và chế biến dược phẩm, bao gồm tinh bột, nhiên liệu sinh học và các chế phẩm khác. Chỉ riêng tại Việt Nam, sắn và các sản phẩm từ sắn đã đem lại 1.132 triệu USD giá trị xuất khẩu trong năm 2013.

Trong chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, chính phủ Việt Nam nhận thấy hệ sinh thái Việt Nam vô cùng nhạy cảm với các tác động của môi trường. Châu thổ sông Mê Kông là một trong ba vùng châu thổ nhạy cảm nhất với hiện tượng mực nước biển dâng cao, dẫn đến những biến đổi kinh tế quan trọng và ảnh hưởng đời sống xã hội. Trong 50 năm qua, mực nước biển tại Việt Nam đã dâng lên 20 cm, và Việt Nam sẽ còn phải hứng chịu nhiều thiên tai, đặc biệt là bão, lụt và hạn hán.

Cùng với các nhà nghiên cứu ở Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và các nhà khoa học trên toàn khu vực, CIAT đã hỗ trợ về mặt kĩ thuật và nghiên cứu để phân tích các tác động do biến đổi khí hậu, với mục đích đánh giá việc chia sẻ lợi ích trong những đánh đổi về hệ sinh thái, đồng thời thiết lập mối quan hệ thương mại bền vững và chuỗi cung ứng toàn diện với người nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.