Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất giảm cước gọi ngoại mạng bằng nội mạng: Hợp xu thế nhưng phải cân nhắc

Việt Nga| 12/07/2014 07:07

(HNM) - Tại cuộc họp mới đây của ngành thông tin và truyền thông (TT-TT) lãnh đạo Tập đoàn Viettel đã đề xuất với Bộ TT-TT được giảm cước di động gọi ngoại mạng bằng cước gọi nội mạng. Đây sẽ là tin vui với khách hàng, nhưng dưới góc độ quản lý nhà nước, Bộ TT-TT cần phải có sự cân nhắc thận trọng.

Khách hàng giao dịch tại một điểm dịch vụ viễn thông Viettel. Ảnh: Thanh Hải



Lần giảm cước di động cuối cùng của các DN cung cấp dịch vụ di động vào năm 2010 và bảng giá cước cuộc gọi này vẫn được áp dụng cho đến thời điểm này. Trong đó, giá cước gọi gồm cước nội mạng và ngoại mạng. Cụ thể, hai nhà mạng MobiFone và Vinaphone có chung mức cước trả sau nội - ngoại mạng tương ứng là 880 đồng/phút - 980 đồng/phút; cước trả trước nội - ngoại mạng là 1.180 đồng/phút - 1.380 đồng/phút. Với Viettel, cước cuộc gọi cũng tương tự như trên, nhưng cao hơn hai nhà mạng MobiFone và Vinaphone 10 đồng. Đó là các gói cước gọi cơ bản của ba nhà mạng lớn, ngoài ra các nhà mạng này còn nhiều gói cước khác được thiết kế phù hợp với từng đối tượng khách hàng và tất nhiên giá cước cũng khác nhau. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là cước ngoại mạng đang cao hơn cước nội mạng từ 100 đồng (thuê bao trả sau) đến 200 đồng (với thuê bao trả trước).

Trở lại với đề xuất giảm cước của Tập đoàn Viettel, trao đổi với PV Báo Hànộimới về vấn đề này, Phó TGĐ Tổng Công ty Viễn thông Viettel (thuộc Tập đoàn Viettel) Hoàng Văn Ngọc cho biết, ở nước ta do phải trả cước kết nối cao hơn dẫn đến cước ngoại mạng cao hơn cước nội mạng, trong khi đó nhiều quốc gia trên thế giới đã bỏ cách tính phân biệt cước ngoại mạng - nội mạng. Ước tính việc giảm cước ngoại mạng sẽ khiến Viettel bị giảm doanh thu gần 1.000 tỷ đồng/năm, nhưng vẫn phải chấp nhận. Bởi, xu thế tiêu dùng sẽ chuyển dịch từ dịch vụ thoại sang các dịch vụ nội dung, như vậy nhu cầu thoại sẽ giảm và cước nội - ngoại mạng không còn ý nghĩa. Mặt khác, dịch vụ OTT đã, đang gây sức ép mạnh với dịch vụ thoại và nếu nhà mạng không giảm cước thoại sẽ khó có thể kích cầu thị trường. Lãnh đạo Viettel cũng đề nghị Bộ TT-TT cho giữ nguyên giá cước dữ liệu (Data) 3G như hiện nay vì thuê bao sử dụng 3G tăng mạnh.

Với những đề xuất của Viettel, Cục trưởng Cục Viễn thông Phạm Hồng Hải cho biết, về nguyên tắc DN được quyền quyết định giá cước, Bộ TT-TT chỉ quản lý việc chấp hành các quy định của DN có hay không bán phá giá thành… Do vậy, Bộ TT-TT sẽ yêu cầu Viettel và các DN viễn thông khác báo cáo giá thành dịch vụ di động, từ đó là căn cứ để quản lý nhà nước phê duyệt đề xuất của nhà mạng. Còn đề xuất giữ nguyên giá 3G, Bộ TT-TT cũng yêu cầu Viettel chứng minh được mức giá đang cung cấp hiện nay không thấp hơn giá thành.

Với khách hàng, đây sẽ là tin vui nếu đề xuất của Tập đoàn Viettel được Bộ TT-TT chấp thuận, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Song, cũng từ đề xuất giảm cước này, đặt ra một số vấn đề với cơ quan quản lý nhà nước. Trước hết, Viettel là nhà mạng có lượng khách hàng lớn nhất (54 triệu thuê bao), đứng đầu danh sách các nhà mạng nắm thị phần khống chế. Trước kia, nếu Tập đoàn VNPT còn sở hữu MobiFone, thì xét tương quan là ngang nhau, nhưng từ ngày 1-7 trở đi đã khác. MobiFone độc lập với VNPT và Vinaphone, đồng nghĩa với việc VNPT bị giảm lợi nhuận (MobiFone chiếm 60-70% tổng lợi nhuận của VNPT). Trong khi đó, bản thân VNPT đang thực hiện tái cơ cấu, gặp nhiều khó khăn do phải sắp xếp lại việc kinh doanh của các đơn vị, do vậy đề xuất giảm cước của Viettel chắc chắn sẽ tác động mạnh đến VNPT. Thêm nữa, đề xuất giảm cước này có thể ảnh hưởng lớn đến các nhà mạng nhỏ như Vietnamobile khiến mạng 092 này càng gặp khó khăn hơn. Vậy, câu hỏi đặt ra, đó là chuyện cạnh tranh của DN và "kẻ" nào mạnh sẽ thắng. Đây có thể xem là chuyện bình thường, nhưng lại không bình thường ở chỗ nếu DN sau khi làm suy yếu đối thủ, không còn ai cạnh tranh sẽ "một mình một chợ", từ đó có thể quyết định thị trường, chẳng hạn như quay trở lại tăng giá dịch vụ, gây thiệt hại cho khách hàng. Thực tế đã diễn ra, sau khi sáp nhập EVN Telecom về Viettel cuối năm 2011, thì đến giữa năm 2012 khi thị trường thuê kênh chỉ còn hai "ông lớn" VNPT, Viettel đã cùng nhau tăng giá thuê dịch vụ này (200%) khiến một loạt DN viễn thông FPT, CMC, Hanoi Telecom, VTC phải kêu cứu đến Bộ TT-TT. Do vậy, hơn lúc nào hết, Bộ TT-TT cần cân nhắc kỹ trước khi xem xét phương án đề xuất giảm cước như trên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất giảm cước gọi ngoại mạng bằng nội mạng: Hợp xu thế nhưng phải cân nhắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.