Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa như mong muốn

Việt Nga| 15/08/2014 06:02

(HNM) - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố báo cáo đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố TƯ.

Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An đạt mức tốt

Theo Bộ TT-TT, việc ứng dụng CNTT phục vụ chỉ đạo điều hành, người dân và DN của khối CQNN tăng nhẹ so với năm 2012. Song phần xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT tổng thể năm 2013 ở khối các CQNN TƯ lại không có đơn vị nào đạt mức tốt. Cụ thể, chỉ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dẫn đầu nhóm khá với 795 điểm (điểm tối đa là 1.000); tiếp theo là các bộ: Tư pháp, Xây dựng, Tài chính, TT-TT. Khối các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ có kết quả tốt hơn về ứng dụng CNTT so với khối cơ quan bộ, ngành TƯ, cụ thể có tới 3 địa phương đạt mức tốt gồm: Đà Nẵng, Hà Nội, Nghệ An. Trong phần đánh giá về các địa phương, báo cáo đánh giá của Bộ TT-TT cũng chỉ rõ các tỉnh, thành phố tăng vị trí xếp hạng là do đã đầu tư mạnh khâu ứng dụng. Ở tiêu chí cơ sở hạ tầng phục vụ ứng dụng CNTT, các CQNN TƯ nhìn chung đã đáp ứng được nhu cầu ứng dụng của đơn vị mình còn tại các tỉnh, thành phố thì tỷ lệ đơn vị có mức độ đáp ứng từ khá trở lên đạt hơn 90%. Về mức độ ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý điều hành (ứng dụng nội bộ), tỷ lệ số bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố TƯ đạt mức độ tốt, khá đều tăng so với năm 2012, số đơn vị đạt mức trung bình giảm; tuy nhiên, tỉ lệ tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ ở mức độ trung bình vẫn còn cao (gần 80%).

Hà Nội hiện đứng đầu về tiêu chí ứng dụng CNTT hoạt động nội bộ. Ảnh: Bảo Kha


Một tiêu chí đánh giá xếp hạng quan trọng khác là ứng dụng CNTT phục vụ người dân và DN ngày càng được nâng cao, thể hiện ở số lượng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 ngày càng tăng. Trong năm 2013, có 53 tỉnh cung cấp DVCTT mức độ 3 (tăng 4 tỉnh so với năm 2012) với 2.472 dịch vụ (tăng 863 dịch vụ so với năm 2012), có 6 tỉnh cung cấp DVCTT mức độ 4 (tăng 4 tỉnh so với năm 2012) với 56 dịch vụ (tăng 51 dịch vụ so với năm 2012). Cùng với sự tăng trưởng về số lượng DVCTT, số hồ sơ được xử lý trực tuyến cũng tăng theo thời gian. Các cơ quan tiêu biểu có số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua DVCTT lớn là các bộ: Tài chính, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư; các tỉnh, TP như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Bạc Liêu.

Với Hà Nội tiếp tục duy trì vị trí thứ hai cả nước (sau Đà Nẵng) về xếp hạng tổng thể ứng dụng CNTT trong CQNN với 827,55 điểm/1.000 điểm.

Chưa "gần" dân

Trong số các tiêu chí để đánh giá xếp hạng ứng dụng CNTT của các CQNN, có một tiêu chí rất quan trọng đó là ứng dụng CNTT phục vụ người dân, DN. Đây là cơ sở để đánh giá hiệu quả hoạt động của các bộ, ngành, địa phương quản lý những lĩnh vực gần với người dân, DN, những nơi có kinh tế xã hội, thương mại, du lịch phát triển. Kết quả xếp hạng ra sao? Khối các bộ, không có loại tốt, chỉ có Bộ Kế hoạch - Đầu tư xếp loại khá với 264,64 điểm/400 điểm, còn lại là xếp hạng trung bình. Các bộ có nhiều hoạt động giao dịch gần với người dân và DN như kể trên đều đứng từ vị trí thứ 4 trở đi với số điểm cũng không cao; đáng chú ý, Bộ Y tế đứng thứ 18. Trong tiêu chí này còn được tính tới các tiêu chí thành phần về website/Portal (cung cấp thông tin, chức năng hỗ trợ người sử dụng và công tác quản lý) của các bộ, cơ quan ngang bộ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trừ Bộ Kế hoạch - Đầu tư vẫn duy trì vị trí cao, còn lại các bộ, ngành như đã kể trên đều xếp thứ hạng thấp mà điển hình là Bộ Y tế duy trì các vị trí thứ 15, 18. Điều đáng nói, ở tiêu chí thành phần xếp hạng về cung cấp DVCTT, điểm tối đa của hạng mục này là 120, nhưng ngay Bộ Kế hoạch - Đầu tư đứng đầu bảng cũng chỉ đạt 56,14 điểm… cho thấy các bộ, ngành vẫn chưa thể đáp ứng đủ tiêu chí để triển khai ứng dụng CNTT trong phục vụ người dân như mong muốn.

Khối các tỉnh, thành phố, tiêu chí ứng dụng CNTT phục vụ người dân và DN cũng không có xếp hạng loại tốt. Chỉ có Đà Nẵng đứng đầu xếp hạng loại khá, các địa phương như Hà Nội (đứng thứ 6), TP Hồ Chí Minh (đứng thứ 4) lại không dẫn đầu, hay top 3. Hải Phòng đứng thứ 8, Cần Thơ thứ 30, Quảng Ninh thứ 59. Tuy nhiên, ở tiêu chí thành phần cung cấp DVCTT qua website thì sau Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đều đứng vị trí kế tiếp, nhưng số điểm lại không cao - chưa bằng 1/2 điểm thang quy định là 160.

Xét theo tiêu chí ứng dụng CNTT hoạt động nội bộ, Hà Nội xếp thứ nhất trong 63 tỉnh, thành phố với 229,38/250 điểm. Kết quả này cho thấy chính quyền, các CQNN thành phố đã thực hiện nghiêm việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành ở đơn vị và sự liên thông giữa các CQNN thành phố với nhau. Tuy nhiên, có một số tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, về bảo đảm an toàn thông tin, về thông tin trên website… Hà Nội lại đứng ở vị trí từ thứ 5 đến thứ 7 của bảng xếp hạng, có một số ít vị trí còn bị tụt lùi so với các năm trước.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chưa như mong muốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.