Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm đúng luật sẽ có nguồn vốn lớn

Hà Hồng| 22/08/2014 06:05

(HNM) - Với quy mô rất nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế, hầu như các doanh nghiệp Việt Nam không thể tự đổi mới công nghệ nếu thiếu sự giúp đỡ từ phía Nhà nước và xã hội.



Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã trao đổi với Báo Hànộimới và nêu ý kiến của mình để giải bài toán khó này.

- Thưa Bộ trưởng, nhiều chuyên gia đã nhận định, doanh nghiệp khó có thể phát triển và trụ vững nếu thiếu KH&CN. Hay nói cách khác, đổi mới công nghệ là chìa khóa, là nhân tố quyết định những giá trị kinh doanh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp. Bộ trưởng nhận định như thế nào về điều này?

- Bộ trưởng Nguyễn Quân: Chắc chắn nhận định trên là đúng vì qua hai cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây, ta có thể thấy, doanh nghiệp nào không quan tâm, đầu tư KH&CN, đổi mới công nghệ và xây dựng nguồn nhân lực có trình độ công nghệ thì sẽ đứng trên bờ vực phá sản hoặc gặp rất nhiều khó khăn. Còn những doanh nghiệp phát triển ổn định là những doanh nghiệp quan tâm đến đổi mới công nghệ cũng như ứng dụng KHCN vào sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp cần được hỗ trợ đổi mới công nghệ, phát triển ổn định, bền vững. Ảnh: Bảo Lâm


- Bộ trưởng đã nhận định rằng, đầu tư cho KH&CN của chúng ta vẫn chưa đến ngưỡng. Đây phải chăng cũng là một trong những nguyên do khiến Việt Nam chưa có được sản phẩm đặc thù, cạnh tranh với thế giới? Và Bộ KH&CN có hướng giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Đầu tư cho KH&CN của Việt Nam còn ở mức rất thấp, tuy về mặt tổng đầu tư cho KH&CN từ ngân sách nhà nước không phải là quá thấp, 0,5-0,6% GDP quốc gia. Song tổng đầu tư của xã hội cho KH&CN của Việt Nam lại kém xa so với khu vực và thế giới. Ví dụ như Trung Quốc năm 2011 đã đầu tư cho KH&CN là 2,3% GDP quốc gia, Hàn Quốc 4,5% GDP quốc gia.

Đây là bất cập cần phải nhanh chóng khắc phục. Vì vậy, trong thời gian tới cần phải đẩy mạnh đầu tư xã hội cho KH&CN. Luật KH&CN và trong Nghị quyết của Đảng cũng đã ghi rõ: Nhà nước phải duy trì 2% tổng chi ngân sách đầu tư cho KH&CN, sau này tùy vào điều kiện phát triển kinh tế, xã hội có thể phải tăng thêm, nhưng quan trọng nhất là huy động được nguồn đầu tư từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp.

- Thế nhưng có một mâu thuẫn là các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính rất hạn chế (nếu không nói là đa số đều có khó khăn về mặt tài chính) nhưng để có sản phẩm công nghệ tốt, làm chủ công nghệ lại cần vốn để đầu tư. Vậy làm thế nào để giải bài toán này, thưa Bộ trưởng?

- Ở đây có trách nhiệm cả hai phía, Nhà nước và doanh nghiệp. Nhận thức được trách nhiệm của mình, Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; đồng thời trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước sẽ dành một phần ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới, áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh.

Song hành với đó là việc hợp tác với các tổ chức nước ngoài, các tổ chức quốc tế trong việc tìm kiếm các nguồn tài chính hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam. Vừa qua Bộ KH&CN đã ký với Ngân hàng Thế giới (WB) dự án về thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu KH&CN (dự án FIRST), trong đó WB đã tài trợ, cho vay lãi suất ưu đãi với nguồn vốn 100 triệu USD cùng vốn đối ứng 10 triệu USD từ phía Chính phủ Việt Nam. Tổng cộng chúng ta sẽ có hơn 2.300 tỷ đồng dành cho dự án FIRST. Dự án có 3 hợp phần, trong đó có một hợp phần giúp cho một số doanh nghiệp KH&CN đổi mới công nghệ.

Còn đối với doanh nghiệp, nếu họ thực hiện đúng quy định của luật, dành một tỷ lệ nhất định lợi nhuận trước thuế cho KH&CN thì chắc chắn sẽ có nguồn vốn rất lớn cho đổi mới công nghệ. Hiện Chính phủ sắp ban hành Nghị định quy định các doanh nghiệp nhà nước kể từ nay bắt buộc phải thành lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp và phải dành một tỷ lệ tối thiểu lợi nhuận trước thuế cho quỹ này. Doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng được khuyến khích làm như vậy.

Để huy động vốn trong tình hình khó khăn hiện nay, Bộ KH&CN đã yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương thành lập Quỹ phát triển KH&CN, coi đây là một địa chỉ để cộng đồng doanh nghiệp đóng góp một phần kinh phí nhất định. Quỹ đóng vai điều tiết nguồn vốn này. Doanh nghiệp nào quá khó khăn mà chưa thu xếp được vốn có thể được ưu tiên sử dụng. Nếu tất cả đều thực hiện nghiêm túc việc đóng góp, thì lần lượt các doanh nghiệp sẽ được quỹ này đầu tư để có thể đổi mới công nghệ. Đây là phương thức chúng tôi cho là hiệu quả. Vấn đề ở đây là các doanh nghiệp có mong muốn, có quyết tâm, có tổ chức tốt hay không. Và các quỹ có quản lý tốt nguồn vốn này hay không.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm đúng luật sẽ có nguồn vốn lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.