Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tài trợ căn cứ vào uy tín khoa học

Khánh Vũ| 30/12/2016 06:56

(HNM) - Trong các chương trình đào tạo bậc tiến sĩ, trong đánh giá và tài trợ đề tài nghiên cứu khoa học hay xét học hàm giáo sư, phó giáo sư, các tiêu chí về bài báo khoa học đăng trên những tạp chí quốc tế, tạp chí uy tín ngày càng được xem trọng. Điều này đặt ra những yêu cầu cao hơn với chất lượng công trình được công bố

Hiện nay mới chỉ có Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng được cơ sở dữ liệu Chỉ số trích dẫn Việt Nam. Trong ảnh: Phòng thí nghiệm công nghệ Nano của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Bùi Tuấn



Có danh sách tạp chí uy tín

Theo ghi nhận của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN), những năm gần đây các cơ sở giáo dục đại học đã có nhiều cố gắng để nâng cao chất lượng và hình thức của các tạp chí khoa học, dần tiệm cận chuẩn mực quốc tế theo yêu cầu gắt gao của Hội đồng. Danh mục các tạp chí khoa học được Hội đồng xem xét, tính điểm đã được Bộ GD-ĐT sử dụng để yêu cầu nghiên cứu sinh đăng bài báo. Theo quy chế đào tạo tiến sĩ đang được soạn thảo, nghiên cứu sinh muốn bảo vệ luận án tiến sĩ buộc phải có bài báo khoa học quốc tế.

Bên cạnh đó, hằng năm Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia (Nafosted) cũng công bố các danh mục 236 tạp chí khoa học có uy tín làm căn cứ cho việc xem xét tài trợ đề tài. Tuy nhiên, theo GS Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký HĐCDGSNN, trong số 356 tạp chí khoa học của cả nước đang được HĐCDGSNN xem xét, tính điểm cho các bài báo, mới chỉ có một tạp chí thuộc danh sách ISI và hai tạp chí thuộc danh sách Scopus của Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam và Hội Toán học Việt Nam. Hiện chưa có một trường đại học nào của nước ta có tạp chí khoa học riêng được kể đến trong ISI hoặc Scopus.

Theo thông tin từ Trung tâm Trích dẫn ASEAN, trong đợt xét duyệt tháng 12-2016, Việt Nam có ba tạp chí tham gia xét duyệt Chỉ số trích dẫn ASEAN (ACI). Chỉ một trong số đó được chấp nhận với điểm số vừa đủ đạt chuẩn (15/20).

Trong khi đó, cùng đợt xét duyệt này, số tạp chí đạt chuẩn của Malaysia là 50, Thái Lan là 32, Indonesia là 25… Tính đến nay, Việt Nam chỉ có ba tạp chí được ACI chấp nhận, chỉ hơn Lào, Campuchia, Myanmar và Brunei.

Chất lượng tạp chí sẽ được đánh giá công khai

Để có cơ sở khoa học chính xác đánh giá, xếp loại và tính điểm các bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí Việt Nam, cũng theo GS Trần Văn Nhung, cần phải nghiêm túc và quyết liệt trong việc xây dựng hệ thống chỉ số trích dẫn Việt Nam. Như vậy mới hy vọng có được tạp chí chất lượng, góp phần phát triển khoa học, giáo dục và kinh tế đất nước, được khu vực và thế giới tôn trọng, trích dẫn. Bên cạnh đó, Luật KH-CN đã có quy định về đánh giá, xếp hạng tổ chức KH-CN, Luật Giáo dục đại học cũng quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học. Vì vậy, việc có một hệ thống cơ sở dữ liệu để đánh giá càng trở nên bức thiết.

Trong năm 2016, mới chỉ có Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết đã xây dựng cơ sở dữ liệu Chỉ số trích dẫn Việt Nam ở một phạm vi nhất định. Theo Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hữu Đức, có một tình trạng đang diễn ra hiện nay: Trong khi các bài báo khoa học của nhà khoa học Việt Nam công bố trong hệ thống tạp chí quốc tế có thể được thống kê, phân tích đầy đủ thì số bài báo công bố trong hệ thống tạp chí khoa học trong nước lại bị bỏ ngỏ. Tài nguyên này chưa được hệ thống hóa, thống kê và phân tích một cách toàn diện, khiến việc đánh giá chất lượng công bố khoa học và chất lượng tạp chí khoa học trong nước rất hạn chế. Hệ thống cơ sở dữ liệu này của Đại học Quốc gia Hà Nội được kỳ vọng, bên cạnh mục đích học thuật, còn cho phép xây dựng và công bố báo cáo thường niên về tình hình công bố khoa học trong nước; năng lực nghiên cứu của cá nhân nhà khoa học và các cơ sở nghiên cứu, giáo dục đại học; các định hướng khoa học đang được quan tâm ưu tiên…

Ở cấp quốc gia, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tạp chí khoa học Việt Nam tiến hành xây dựng Đề án thành lập Trung tâm trích dẫn Việt Nam (VCI) trong thời gian tới. Trước mắt, để tăng cường khả năng hội nhập, Bộ GD-ĐT đã đề cử 2 trường tham gia Hội đồng điều hành Chỉ số trích dẫn ASEAN (ACI). Hội đồng sẽ họp hằng năm để chia sẻ kinh nghiệm, giám sát hiệu quả hoạt động, quyết định công nhận các tạp chí khoa học của các nước thành viên đạt chuẩn ACI. Những hoạt động này của ACI không những tăng cường khả năng tiếp cận và thu hút sự chú ý của cộng đồng nghiên cứu thế giới đối với các tạp chí khoa học ASEAN, mà còn góp phần cải thiện thứ hạng cho các trường đại học ASEAN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tài trợ căn cứ vào uy tín khoa học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.