Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát hiện hóa thạch thực vật có niên đại 1,6 tỷ năm

Tiến Đạt| 16/03/2017 17:18

(HNMO) – Hóa thạch tảo được tìm thấy trong dãy đá trầm tích ở Chitrakoot ( Ấn Độ) có niên đại 1,6 tỷ năm cho thấy các sinh vật đa bào có thể tiến hóa sớm hơn mốc thời gian 400 triệu năm trước như các nhà khoa học từng nghiên cứu.

Hình ảnh X-quang của hóa thạch tảo đỏ. Ảnh: Independent.


Các nhà khoa học của Viện bảo tàng Thụy Điển đã công bố phát hiện này trên tạp chí PLOS Biology. Theo tác giả nghiên cứu, giáo sư danh dự về khoa học cổ đại ở Viện bảo tàng, Stefan Bengtson: “Tuy mẫu DNA của hóa thạch đã bị mất hoàn toàn nhưng hình thái và cấu trúc của tế bào rất giống với tảo đỏ".

Tảo đỏ là loại thực vật nguyên thủy còn tồn tại đến ngày nay và phát triển tốt trong môi trường biển (có thể tìm thấy ở những rạn san hô) hay trong môi trường nước ngọt.

Theo Daily Mail, hóa thạch thực vật này được bảo quản khá tốt. Trong tế bào của hóa thạch, nhóm các nhà khoa học tìm thấy sự hiện diện của lục lạp – bộ phận đóng vai trò quan trọng trong quá trình quang hợp của thực vật.

Trước kia, sự phát triển sớm của tổ chức sinh vật nhân chuẩn đa bào là một chủ đề gây tranh cãi bởi sự khan hiếm các mẫu hóa thạch có niên đại hơn 1 tỷ năm. “Nếu phát hiện mới và niên đại của hóa thạch này chính xác thì lý thuyết về sự sống trên trái đất cần phải được nghiên cứu lại”, theo giáo sư Stefan.

Trước khi hai mẫu hóa thạch này được phát hiện, hóa thạch thực vật lâu đời nhất được phát hiện có niên đại 1,2 tỷ năm. Khám phá mới này sẽ giúp cho các nhà khoa học một lần nữa nghiên cứu về cấu trúc phức tạp của tảo nguyên thủy và lịch sử tiến hóa. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện hóa thạch thực vật có niên đại 1,6 tỷ năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.