Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công nghệ tự động hoá đe doạ thị trường việc làm Mỹ

Nguyễn Thúc Hoàng Linh| 26/03/2017 16:19

(HNMO) - Theo kết quả nghiên cứu mới công bố của PwC, khoảng 40% số việc làm tại Mỹ sẽ bị thay thế bởi các loại robot trong vòng 15 năm tới.

Sản xuất và bán lẻ sẽ là hai lĩnh vực được tự động hoá nhiều nhất trong những năm tới.


Lý giải cho thực trang trên, một số ý kiến phân tích cho rằng số lao động được sử dụng cho các vị trí công việc lặp đi lặp lại theo chu kỳ (ví dụ như xử lý giấy tờ) tại Mỹ hiện vẫn còn quá cao. Bên cạnh tỉ lệ ở từng quốc gia, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người lao động trong các lĩnh vực giao thông vận tải, sản xuất và bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. 

Trong quá trình nghiên cứu, PwC đã chia rõ từng hạng mục công việc trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Các nhà nghiên cứu sau đó sử dụng một thuật toán nhằm tính toán khả năng tự động hoá các tác vụ công việc dựa trên những đặc thù của người lao động được tuyển dụng vào các vị trí như vậy. 

Một ví dụ về việc tại sao người lao động tại Mỹ sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ công nghệ tự động hoá hơn so với tại Anh được thể hiện rõ nét trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Mặc dù hai quốc gia này có hệ thống kinh tế tương đối đồng nhất, với sự ưu thế của ngành dịch vụ. Tuy nhiên, các công việc trong lĩnh vực dịch vụ tài chính ở Mỹ thường hướng tới phục vụ hoạt động bán lẻ và bao gồm các tác vụ có tính chất lặp đi lặp lại.

Trong khi đó, cùng khái niệm công việc này tại Anh lại nói tới các chuyên gia làm việc trong ngân hàng quốc tế. Đây dĩ nhiên là môi trường khó khăn hơn nhiều, rất phức tạp để có thể tự động hoá, và cũng thường yêu cầu người lao động phải được đào tạo chuyên môn sâu.

Một ngành nghề có thể có khả năng thay thế lao động con người bằng robot khác nhau, tuỳ thuộc vào những đặc thù trong lĩnh vực đó tại mỗi quốc gia.


Trong khi đó, người lao động tại Đức lại tập trung nhiều hơn trong các lĩnh vực sản xuất nếu so với Anh. Số việc làm này hầu hết đều có thể thay thế bằng robot trong tương lai. Vì vậy, tỉ lệ "chịu đe doạ" tại nền kinh tế số một châu Âu lớn hơn so với tại Đảo quốc sương mù. 

Về phần mình, Nhật Bản có mức thay thế chỉ 21% - thấp hơn hẳn so với các nền kinh tế phát triển khác - được cho là bởi rất nhiều ngành nghề có khả năng tự động hoá cao ở các nước khác lại thường không diễn ra tương tự tại Nhật Bản. Điều này đúng ngay cả với những người lao động trong lĩnh vực bán lẻ tại xứ sở hoa anh đào - vốn thường cần nhiều kĩ năng cao và thời gian rèn luyện lâu dài hơn. Trong môi trường này, mỗi cá nhân cũng cần có kinh nghiệm sắp xếp công việc và quản lý vượt trội so với các vị trí việc làm tương tự tại nước khác.

Mặt khác, tính tới nay, Nhật Bản cũng là quốc gia đã triển khai tự động hoá trong nhiều ngành nghề ở mức độ cao - ví dụ như máy thu tiền tại các nhà hàng thức ăn nhanh đã thay thế hoàn toàn chức năng thu ngân. Điều này khiến cho tỉ lệ "rủi ro" trong tương lai tại đây thấp hơn so với các khu vực khác. 

Robot chỉ dẫn thông tin tại sân bay được Hitachi thử nghiệm trong năm 2016.


Từ những kết quả nêu trên, các nhà nghiên cứu tại PwC cũng đưa ra nhận định rằng chính phủ mỗi nước nên sớm có những chính sách đối phó phù hợp để cân đối hài hoà thị trường việc làm, ví dụ như thực hiện các chương trình tái đào tạo nguồn nhân lực hay xây dựng cơ chế lương cơ bản mới. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ tự động hoá đe doạ thị trường việc làm Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.