Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kế hoạch đào tạo “siêu quân đội” của Mỹ

Tiến Đạt| 27/04/2017 11:18

(HNMO) – Quân đội Mỹ đang thí nghiệm phương pháp kích thích não bộ giúp các binh lính nâng cao khả năng học hỏi và chiến đấu.

Cơ quan các dự án phòng thủ tiên tiến trực thuộc Lầu Năm Góc của Mỹ (DARPA) cho biết đang tài trợ tám nỗ lực nghiên cứu riêng biệt với mục tiêu xác định rằng liệu phương pháp kích thích điện có thể được áp dụng thành công để “tăng cường khả năng học hỏi và đẩy nhanh kỹ năng đào tạo”. Theo đó, phương pháp này cho phép các binh lính có thể nhanh chóng thuần thục các kỹ năng phức tạp mà thông thường phải mất hàng ngàn giờ để luyện tập.

Chương trình “Huấn luyện Hệ thống thần kinh mềm dẻo” (TNT) nhằm mục đích sử dụng hệ thần kinh ngoại biên của cơ thể để thúc đẩy quá trình học tập. Điều này được thực hiện bằng cách dùng điện để kích hoạt quá trình “sự dẻo dai của xi-náp” – một quá trình quan trọng trong não bộ liên quan đến học tập.

Quản lý chương trình TNT, Doug Weber cho biết: “DARPA đang tiếp cận nghiên cứu về sự dẻo dai của xi-náp từ nhiều khía cạnh khác nhau để xác định các phương pháp an toàn và đáng tin cậy để tăng cường kỹ năng học hỏi và đẩy nhanh kỹ năng luyện tập liên quan đến các nhiệm vụ an ninh quốc gia”.

Phương pháp kích thích não bằng điện nhằm giúp binh lính học hỏi nhanh và thúc đẩy kỹ năng đào tạo.


Theo Dailymail, chương trình này lần đầu được công bố vào cuối năm 2016. Cho đến nay, DARPA đang tài trợ cho 8 dự án ở 7 cơ quan để hiểu về phương pháp này được thực hiện như thế nào. Trong đó, một số cơ quan sẽ làm việc với các chuyên gia phân tích tình báo và các chuyên gia về ngôn ngữ nước ngoài để xây dựng nền tảng xung quanh hoạt động đào tạo hiện nay.

Họ cũng sẽ thực hiện các so sánh giữa kỹ thuật can thiệp (như cấy ghép các thiết bị) và kỹ thuật không cần can thiệp, cũng như làm thế nào để tránh nguy cơ tiềm ẩn và phản ứng phụ. Sau đó, kỹ thuật được chọn sẽ được ứng dụng trên nhiều kỹ năng bao gồm việc đưa ra quyết định, định hướng không gian, nhận thức giọng nói và nhận dạng mối đe dọa.

Chương trình nghiên cứu dự kiến sẽ kéo dài bốn năm, trong thời gian đó, DARPA cho rằng việc áp dụng phương pháp kích điện cho não có thể tạo ra sự cải thiện ít nhất 30% về tỷ lệ học hoặc hiệu năng của các kỹ năng với tác dụng phụ tối thiểu.

Hiện các nhà nghiên cứu đang làm việc để xác định cơ chế sinh lý học giúp não bộ có thể thích nghi nhanh suốt quá trình học tập khi bị kích thích.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kế hoạch đào tạo “siêu quân đội” của Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.