Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gian truân mục tiêu 9,5 tỷ USD

ANHTHU| 17/07/2008 05:46

(HNM) - Để đạt được mục tiêu xuất khẩu 9,5 tỷ USD trong năm nay, 6 tháng cuối năm, ngành Dệt May phải xuất khẩu 5,3 tỷ USD. Như vậy trung bình mỗi tháng phải xuất 885 triệu USD, tăng 24% so với mức bình quân 6 tháng cuối năm 2007.

Vận hành dây chuyền dệt tại công ty CP Dệt 10-10. Ảnh: BẢO LÂM

(HNM) - Để đạt được mục tiêu xuất khẩu 9,5 tỷ USD trong năm nay, 6 tháng cuối năm, ngành Dệt May phải xuất khẩu 5,3 tỷ USD. Như vậy trung bình mỗi tháng phải xuất 885 triệu USD, tăng 24% so với mức bình quân 6 tháng cuối năm 2007.

Theo các doanh nghiệp (DN) dệt may, trong tình hình lạm phát, lãi suất ngân hàng caovà lao động trong ngành luôn luôn biến động thì đây là nhiệm vụ rất khó khăn. Vì vậy, ngày 16-7 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công thương và Hiệp hội Dệt May đã tổ chức hội nghị để bàn các giải pháp thực hiện mục tiêu này.

“Lơ lửng” cơ chế giám sát chống bán phá giá

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam (VN), 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt gần 4,2 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2007 và đạt 44,2% kế hoạch. Trong đó 3 thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ đạt khoảng 2,4 tỷ USD (tăng 19%); EU đạt khoảng 780 triệu USD (tăng 23%); thị trường Nhật 365 triệu USD (tăng khoảng 11%).

Theo số liệu của Hải quan Hoa Kỳ, VN đang đứng thứ 4 về lượng xuất sang nước này sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mê-xi-cô. Điều đáng mừng là VN có đơn giá xuất khẩu cao thứ 2 thế giới, chỉ sau Xri Lan-ca (3,63 USD) và vượt mức trung bình chung thế giới là 1,71 USD. Thị phần của VN trên bản đồ thế giới cũng tăng ở mức 4,73% năm 2007 lên 5,49% trong 4 tháng đầu năm 2008.

Qua 2 lần đánh giá giám sát hàng dệt may nhập khẩu từ VN năm 2007, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã phải công nhận không có dấu hiệu hàng bán phá giá. Chương trình sẽ chỉ còn một lần giám sát nữa vào tháng 9 năm nay. Tuy nhiên, theo báo cáo của Thương vụ VN tại Hoa Kỳ, Hạ viện Hoa Kỳ đang khuyến nghị Cơ quan Quản lý thương mại quốc tế (ITA) thuộc DOC thực hiện gia hạn chương trình giám sát hàng dệt may của VN và Trung Quốc sang Hoa Kỳ năm 2009. Theo Bộ Công thương, ý định gia hạn này là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và trái với những gì mà DOC đã công bố. Để ứng phó với tình hình này, Bộ Công thương đang theo dõi sát sao diễn tiến vụ việc, có các biện pháp đối nội, đối ngoại... Bộ cũng đã gửi công văn lên Thủ tướng báo cáo tình hình và kiến nghị các biện pháp ứng phó…

Hoa Kỳ là thị trường quan trọng, chiếm hơn 50% thị phần xuất khẩu của ngành Dệt may VN. Để tránh tình trạng bị cáo buộc bán phá giá, Bộ Công thương đã yêu cầu các DN tự giám sát và chấp hành các yêu cầu kiểm tra của Bộ để chủ động trong đối phó. Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, khi kiểm tra 134 DN và gửi bản mẫu điều tra đến 170 DN thì có đến 20% trong số này không chấp hành. Theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, các số liệu mà Hiệp hội báo cáo vẫn phải dựa vào số liệu của Hải quan Hoa Kỳ nên không thể chủ động được. Các cơ quan chức năng yêu cầu, DN phải hợp tác hơn nữa trong cung cấp số liệu để các cơ quan nhà nước có thể phân tích và kết luận kịp thời để cho đợt giám sát của Hoa Kỳ vào tháng 9 tới.

Mục tiêu 5,3 tỷ USD không dễ!

Theo ông Ân, ngoài trở lực là cơ chế giám sát của Hoa Kỳ, còn 3 nguyên nhân khác gây khó khăn chomục tiêu xuất khẩu 5,3 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm là giá nguyên liệu tăng, lãi suất ngân hàng cao; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu; đặc biệt tình hình thiếu và biến động lao động trong ngành là một trở ngại lớn cho việc hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu.

Theo các DN, đơn giá sản phẩm dệt may từ đầu năm đến nay tăng khoảng từ 10% đến 15% nhưng giá nguyên liệu nhập khẩu đã tăng từ 30% đến 50%. Bên cạnh đó, điện cúp liên tục không báo trước làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất. Tuy nhiên các DN đều đồng ý lao động là vấn đề mấu chốt để hoàn thành đơn hàng vì ngành May phụ thuộc rất nhiều vào lao động. Đời sống công nhân may vốn không cao, gặp lạm phát nên càng khó khăn dẫn đến biến động rất cao. Hầu như tất cả các khu chế xuất, khu công nghiệp, Cty đều thiếu lao động. Tình trạng đình công sai luật tràn lan càng làm cho khả năng vỡ hợp đồng treo lơ lửng….

Thứ trưởng Thường trực Bộ Công thương Bùi Xuân Khu cho rằng, để đạt mục tiêu xuất khẩu 5,3 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm, điều quan trọng nhất là phải đẩy mạnh sản xuất. Các DN phải hoàn tất các dự án đầu tư về tăng năng suất, đổi mới dây chuyền công nghệ… DN cũng cần hết sức chú ýquan tâm đến đời sống công nhân bằng cách tổ chức sản xuất hợp lý, cải thiện môi trường làm việc… để tránh đình công, vì nếu xảy ra đình công thì thiệt hại trước tiên là DN. Để tránh tình trạng công nhân lao động trong các thành phố lớn liên tục dịch chuyển do lương thấp, về lâu dài các DN nên đầu tư theo hướng xây dựng nhà máy ở tỉnh và chuyển những đơn hàng gia công đơn giản về các địa phương... Như vậy vừa có thể chuyển dịch cơ cấu cho nông dân, nông thôn vừa có nguồn công nhân lao động.

Về tín dụng cho các DN xuất khẩu, Thứ trưởng cho biết Bộ đang kiến nghị Chính phủ có những giải pháp nới lỏng cho những lĩnh vực mũi nhọn mà Chính phủ quan tâm, và ngành Dệt may chắc chắn sẽ được ưu tiên để phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu. Về điện, Thứ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận rằng thiếu điện là do quản lý điều hành không tốt vì mùa mưa thì không thể thiếu điện. Bộ đã thành lập Ban kiểm soát để kiểm soát lưới điện quốc gia và chỉ đạo ngành điện điều hành tốt hơn, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để gỡ khó khăn cho DN.

Đặng Loan

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gian truân mục tiêu 9,5 tỷ USD

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.