Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dồn điền, đổi thửa, xây dựng mô hình lúa chất lượng cao

Quỳnh Dung| 28/01/2011 07:45

(HNM) - Thanh Văn là một trong những xã trọng điểm lúa của huyện Thanh Oai, có tổng diện tích đất trồng lúa lên tới trên 300ha. Nhờ chú trọng dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nhất là chủ động xây dựng những vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng cao, bà con Thanh Văn đã có những


Lúa chất lượng cao khẳng định vị thế


Vụ cấy ở xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai. Ảnh: Thái Hiền


Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thanh Văn Hoàng Văn Họa cho biết, trước kia Thanh Văn là xã nghèo nhất nhì của huyện Thanh Oai, đường giao thông lầy lội, cách biệt, đồng chua đất úng, nhiều xứ đồng chỉ cấy được một vụ chiêm, năng suất thấp. Bình quân ruộng đất chỉ hơn 1.000 m2/người, nhiều diện tích để hoang hóa, những kỳ giáp hạt, đời sống của người dân vô cùng khó khăn, nghèo đói đeo bám quanh năm. Trước thực trạng đó, xã đã thực hiện dồn điền, đổi thửa, xóa bỏ tình trạng ruộng đất manh mún, tạo điều kiện cho việc tổ chức lại sản xuất của từng hộ, từng thôn, đưa tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh để tăng vụ, tăng năng suất...

Trước kia, bình quân mỗi hộ có từ 14-15 thửa ruộng nhỏ ở nhiều xứ đồng khác nhau, mất nhiều công sức chăm sóc mà hiệu quả kinh tế lại thấp. Qua nhiều năm vận động, tuyên truyền, Thanh Văn đã dồn được khoảng 80% diện tích. Đây chính là bước đệm để xã đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, trồng những cây phù hợp để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác.

Anh Nguyễn Mạnh Phán ở thôn Úc Lý cho biết, trước kia gia đình anh có tới gần 20 thửa ruộng ở những xứ đồng khác nhau, không thuận lợi cho canh tác và sản xuất. Đến khi dồn đổi còn từ 1-2 thửa ruộng lớn nên sản xuất đã thuận lợi hơn rất nhiều, chi phí cho sản xuất giảm rõ rệt. Với diện tích 12 sào trồng lúa chất lượng cao, mỗi vụ cho năng suất hơn 2 tấn, giá bán gần 10.000 đồng/kg, cao hơn giống lúa đang được trồng phổ biến tại Hà Nội là Khang Dân tới hơn 3.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm gia đình anh Phán thu được vài chục triệu. Hiện nay, Thanh Văn đã có 300ha trồng lúa hàng hóa chất lượng cao, với các giống lúa chủ yếu là Bắc Thơm số 7, nếp 97, TL6, SH2, SH14 có chất lượng gạo thơm ngon và năng suất ổn định, đạt 50-58 tạ/ha và luôn được giá.

Qua thực tế hơn 10 năm sản xuất lúa chất lượng cao tại Thanh Văn, rõ ràng chi phí sản xuất thấp, giá trị thu nhập đạt bình quân 36-40 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn lúa thường từ 1,5 đến 1,6 lần và thời gian sinh trưởng của lúa chất lượng cao ngắn, có thể làm vụ 3 trên đất hai lúa, tăng hệ số sử dụng đất, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Ngoài ra, Thanh Văn còn chuyển đổi những vùng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, với diện tích hơn 70ha, tập trung phát triển kinh tế trang trại. Hiện tại trên địa bàn Thanh Văn có hơn 20 trang trại nuôi trồng thủy sản kết hợp với chăn nuôi, trồng cây ăn quả cho giá trị cao, thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/ha.

Nông thôn khởi sắc

Ông Nguyễn Huy Oánh, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thanh Văn cho rằng, đối với nông dân sản xuất lúa chất lượng cao, điều khó khăn nhất là đầu ra của sản phẩm. Hiện có một số công ty nhận thu mua sản phẩm nhưng không nhiều, nếu nông dân tự bán ra thị trường thì giá không cao. Do đó, để thúc đẩy chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, xã đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ như lồng ghép các chính sách hỗ trợ của TP, huyện để phát triển và mở rộng diện tích, xây dựng vùng lúa tập trung, liên kết "4 nhà" trong tiêu thụ sản phẩm. Năm 2011, HTX đẩy mạnh xây dựng thương hiệu gạo Bồ Nâu chất lượng cao đã được thị trường ưa chuộng từ nhiều năm nay để không những tiêu thụ trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.

Có thể nói những kết quả bước đầu trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, trồng lúa chất lượng cao ở Thanh Văn đã góp phần thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất tự cấp, tự túc, sang sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường, góp phần cải thiện đời sống người nông dân trên địa bàn, bộ mặt nông thôn từng bước khởi sắc. Cuộc sống của hơn 6.000 người dân đã có sự đổi thay, trước kia người dân trong xã quanh năm lam lũ, làm ăn vất vả mà vẫn đói nghèo, họ chỉ ước có cơm no, áo ấm, nay nhiều gia đình đã có bát ăn bát để và làm giàu trên chính quê hương. Chỉ riêng thôn Bạch Nao, trong 2 năm trở lại đây đã có hơn 100 hộ xây nhà mới cao tầng. 100% đường làng trong xã đã bê tông hóa. Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất nông nghiệp, với sự hỗ trợ của huyện và sự đóng góp của nhân dân xã đã đầu tư xây dựng xong mạng lưới thủy lợi nội đồng, hơn 10km đường giao thông nội đồng đã bê tông hóa, đáp ứng 80% nhu cầu của địa phương, thu nhập bình quân đạt hơn 12 triệu đồng/người/năm. Đây chính là bước đệm để Thanh Văn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống của nhân dân trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dồn điền, đổi thửa, xây dựng mô hình lúa chất lượng cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.