Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiến nghị giải pháp mới về tạm trữ lúa gạo

04/08/2012 06:11

Ngày 3-8, Bộ NN&PTNT đã đưa ra đề xuất phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ thóc, gạo qua UBND cấp tỉnh, bảo đảm hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân trồng lúa.

Bốc xếp gạo tại Cần Thơ. Ảnh: Chí Lâm


Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng, phương thức mua tạm trữ lúa gạo hiện nay đã bộc lộ một số hạn chế như: không kiểm soát được việc mua bán lúa gạo của doanh nghiệp; có tình trạng doanh nghiệp hầu như không mua lúa gạo trực tiếp của người nông dân… Vì vậy, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nghiên cứu xây dựng quy chế và phương thức mua tạm trữ thóc mới theo hướng có lợi cho nông dân. Khối lượng mua lúa gạo và thời điểm tạm trữ sẽ như sau: đối với vụ đông xuân, khối lượng tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo được triển khai vào tháng 2 và tháng 3 hằng năm. Đối với vụ hè thu: khối lượng tạm trữ 1-1,5 triệu tấn quy gạo được triển khai vào các tháng 7, 8, 9 hằng năm. Thời gian tạm trữ 3 tháng kể từ thời điểm được vay vốn tạm trữ.

Có ba hình thức tạm trữ: hộ nông dân tạm trữ tại nhà, tại cơ sở sản xuất của mình với khối lượng thấp nhất là 5 tấn/hộ; doanh nghiệp mua trực tiếp của nông dân; hộ nông dân tạm trữ thóc tại kho doanh nghiệp. Đối tượng tạm trữ được vay 100% vốn của số lượng thóc tạm trữ với đơn giá bình quân chung cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Tài chính quy định từng thời kỳ; Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vay ngân hàng cho hộ nông dân, doanh nghiệp tạm trữ. Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA, khối lượng lúa gạo nông dân tạm trữ tại nhà không lớn nên không cần thiết đưa vào trong quy chế và phương thức doanh nghiệp cho dân gửi tạm trữ lúa gạo vào kho vẫn còn quá mới, cần xem xét thêm.

Đóng góp cho dự thảo quy chế, một số ý kiến khác cho rằng khi giá thóc xuống dưới giá thành thì tự động áp dụng cơ chế này nhưng khi giá lúa cao, người nông dân đã đạt lợi nhuận tối thiểu 30% thì cũng không cần thu mua tạm trữ. Như vậy, Nhà nước cần có thông tin thị trường cho người nông dân. Bên cạnh đó, đối với mô hình cánh đồng mẫu lớn đã có sự tham gia tự giác giữa doanh nghiệp và nông dân, vì vậy không nên "áp đặt" chỉ tiêu hay hình thức thu mua tạm trữ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiến nghị giải pháp mới về tạm trữ lúa gạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.