Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp cận và sử dụng vốn hiệu quả

Hồng Sơn| 21/09/2012 06:59

(HNM) - Hiện trạng của thị trường vốn, hoạt động của các ngân hàng và để khơi thông nguồn vốn, cũng như sử dụng vốn hợp lý đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) là nội dung chủ yếu được đề cập tại diễn đàn


Làm tốt công tác kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp sẽ mang lại hiệu quả sử dụng vốn.Ảnh: Trần Hải

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, so với tình hình năm 2011 cũng như vài năm trước thì thanh khoản của hệ thống ngân hàng từ đầu năm đến nay đã có sự cải thiện rõ rệt, với lãi suất huy động, cho vay và các lãi suất chính đều giảm mạnh. Lãi suất cho vay với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên mặc dù đã được phép tự thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại với khách hàng nhưng không xảy ra hiện tượng bùng phát lên mức cao, mà chủ yếu được duy trì ở mức 11-12%...

Chuyên gia tài chính Nguyễn Đại Lai cho rằng, trong bối cảnh "thừa hàng, thiếu tiền" như hiện nay, làm sao để tăng khả năng hấp thụ vốn của DN, giải quyết tình trạng "người ăn không hết, người lần không ra" trong việc tiếp cận vốn ngân hàng là vấn đề mấu chốt. Đa số DN đang rơi vào tình trạng tồn đọng sản phẩm, dẫn đến cảnh đọng hàng - đọng vốn. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, một khi DN không muốn vay vốn trong khi ngân hàng thừa vốn hoặc khó xét tuyển đối tượng để cho vay tức là cung - cầu không gặp nhau, phản ánh bởi tình trạng "kẹt" trên thị trường vốn. Ông Nguyễn Đại Lai nhấn mạnh, đã đến lúc báo động về khả năng hấp thụ vốn rất yếu của DN, thậm chí có thể gọi "bội thực" nếu DN bất ngờ tiếp nhận lượng vốn lớn.

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay, bởi vẫn còn tình trạng đơn vị nào muốn vay vốn đều phải dựa vào "quan hệ". Ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam xác nhận, hầu như DN không còn "sức" vay, cũng như không dám vay và điều này lý giải vì sao đến đầu tháng 9-2012 mà tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 1,82%, tức là còn rất xa so với chỉ tiêu 8-10% cả năm.

Một số chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh lạm phát thấp như hiện tại, nên xem xét lộ trình dỡ bỏ trần lãi suất huy động vốn, kết hợp với việc áp dụng phương thức quản lý, phòng chống chạy đua về lãi suất. Chỉ nên quản lý chặt lãi suất cho vay thông qua những biện pháp hành chính "mềm", can thiệp lãi suất trong ngắn hạn. Nên có quy định cụ thể khống chế trần lãi suất cho vay không vượt quá 125% (hoặc 130%) so với lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn tương ứng khoản vay 1 năm, 2 và 3 năm; thực hiện nguyên tắc lãi suất ngắn hạn phải thấp hơn dài hạn. Đặc biệt, giới chuyên gia và DN mong muốn Nhà nước có cơ chế kiểm soát, xóa bỏ hình thức sở hữu chéo giữa ngân hàng và DN để triệt tiêu khả năng lũng đoạn của các nhóm lợi ích; hạn chế tối đa tình trạng lách luật, "đi đêm".

Trong khi đó, dư luận cũng đề nghị cấp thẩm quyền tăng cường quản lý với các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém, nếu tái cơ cấu không đạt yêu cầu cần mạnh dạn cho phá sản với yêu cầu chỉ bảo vệ người gửi tiền và cổ đông bằng nguồn thanh lý tài sản TCTD. Ông Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông gợi ý, để giảm bớt sự lệ thuộc vào vốn, DN cần lựa chọn các đơn hàng vừa sức và cố gắng thực hiện trong thời gian sớm nhất để giảm bớt chi phí vay, liên kết giữa các DN, tận dụng quan hệ và sự hỗ trợ từ các hiệp hội để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Trong giai đoạn tới, xét về mục tiêu trung, dài hạn, Chính phủ sẽ tập trung tái cơ cấu triệt để đối với hệ thống ngân hàng. Từ đó, giới chuyên gia khuyến nghị cần từng bước giảm thiểu, tiến tới chấm dứt mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào vốn để tránh sự lệ thuộc vốn đầu vào cho DN; hướng DN vào định hướng phát triển bền vững, sản xuất ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, dễ cạnh tranh, tiêu hao ít năng lượng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp cận và sử dụng vốn hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.