Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần điều chỉnh chính sách quản lý vàng cho hợp lý

Đức Anh| 27/10/2012 06:48

(HNM) - Cách đây không lâu, đại diện của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, vàng trong nước cao hơn thế giới là bị


"Độc quyền doanh nghiệp", khái niệm tưởng như đã biến mất trong nền kinh tế thị trường, nhất là trong giai đoạn hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay, lại đang diễn ra trên thị trường vàng. Trong khi nhiều ngành tìm cách xóa bỏ tình trạng độc quyền, để các DN có thể cạnh tranh một cách bình đẳng, lành mạnh, thúc đẩy kinh tế phát triển, thì kinh doanh vàng bỗng dưng được "độc quyền". Điều quan trọng hơn, cái "đặc quyền" để có thể "độc quyền" đó lại do NHNN cho phép.


Thị trường vàng miếng được nhận định là đang méo mó khi thương hiệu SJC được hưởng cơ chế độc quyền. Ảnh: Trần Việt

Không phải ngẫu nhiên mà đề tài "độc quyền" vàng SJC được nhiều người bàn đến trong thời gian gần đây, với nhiều cung bậc khác nhau và cùng chung một tâm trạng lo lắng bởi thị trường vàng thêm một lần nữa đang bị rơi vào tình trạng nhiễu loạn. Khác hẳn với những lần trước khi người dân đổ xô mua vàng mà không cần biết rõ thương hiệu gì, bất chấp giá vàng trong nước tăng vụt trong khi giá vàng thế giới lại ít biến động, thì nay người ta chỉ đổ tiền vào vàng SJC. Cảnh nhiễu loạn trên thị trường vàng không chỉ diễn ra trong một vài ngày, mà xảy ra trong thời gian dài.

Vàng SJC gia công không đủ bán khiến giá vàng tăng vù vù, vượt xa giá vàng thế giới tới hơn 3 triệu đồng/lượng, cũng vì thế mà thương hiệu SJC đắt hơn giá các thương hiệu vàng khác hơn 3 triệu đồng/lượng. Người mua đổ xô vào vàng SJC tạo nên sự khan hiếm giả tạo, bởi cầu nhiều nhưng cung thiếu. Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra. Công ty SJC không có vàng để bán, còn những thương hiệu khác thì bán không ai mua gây ra một sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Lấy lý do cung không đủ cầu, SJC nghiễm nhiên "làm giá", nới khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới, có lúc đã lên tới hơn 3 triệu đồng/lượng. Và với mức chênh lệch như vậy thì với hàng nghìn lượng được bán ra, DN này thu được bao nhiêu lợi nhuận? Và câu hỏi đặt ra là khoản lợi nhuận khổng lồ đó chảy vào đâu?. Như vậy lợi nhuận chỉ rơi vào tay một DN, mặc cho những DN khác, kể cả người dân và nền kinh tế phải chịu thiệt?

Lãnh đạo NHNN đã từng khẳng định, NHNN đưa vàng SJC trở thành thương hiệu vàng miếng duy nhất nhằm điều tiết và ổn định thị trường, nhưng xem ra mục đích này không những không thực hiện được, mà còn khiến thị trường thêm nhiễu loạn. Bởi, người có vàng SJC phải "rồng rắn" xếp hàng kiểm tra để đóng dấu, còn người không sở hữu vàng thương hiệu này phải chịu mất phí để chuyển đổi sang vàng SJC, mà mức phí này không nhỏ, tới hàng trăm nghìn đồng/lượng. Thêm vào đó, nếu bị "bắt chẹt" vàng không đủ tuổi vì là thương hiệu phi SJC, người dân cũng chỉ ngậm ngùi chịu thiệt.

Từ xưa đến nay, vàng vẫn được coi là một loại tài sản để tích trữ của người dân và đã là vàng thì có giá trị như nhau, cho dù mang thương hiệu gì, quan trọng là vàng đủ chất lượng. Nghịch lý của việc "đẻ" ra "độc quyền" vàng khiến không ít người dân phải chịu thiệt hại khi sở hữu những miếng vàng không mang thương hiệu SJC. Đó là chưa kể tình trạng tranh mua, tranh bán. Các cửa hàng vàng phi thương hiệu SJC thì mọi người xếp hàng để bán vàng, trong khi những cửa hàng của SJC thì người ta chen nhau mua vàng. Phi lý hơn là vàng không được định giá theo tuổi mà theo thương hiệu. Vì thế, vàng phi SJC nhưng đủ chất lượng thì khi gia công lại cũng có thể bán được giá cao hơn hẳn.

Cho "độc quyền", điều này có nghĩa phủ nhận các loại vàng khác trong dân và DN, tạo tâm lý lo lắng, bất ổn. Cái tên có thể làm nên thương hiệu của một DN nếu DN đó biết cách đưa ra những sản phẩm đủ chất lượng, đủ sức hấp dẫn, nhưng một cái tên không thể đại diện cho một quốc gia và cũng không thể vì cái tên đó mà xóa bỏ những DN khác. "Độc quyền" về vàng không những chỉ khiến cho DN kinh doanh vàng phi SJC bị thiệt hại, người dân phải mất nhiều chi phí một cách vô lý, mà còn là nguyên nhân chính đẩy giá vàng lên cao, gây sự bất ổn cho nền kinh tế, tăng chi phí xã hội, tác động đến lạm phát. Nếu chỉ tính mức phí gia công vàng miếng SJC trung bình là 50.000 đồng/lượng, chi phí bỏ ra để gia công lại toàn bộ số vàng thương hiệu khác SJC đã có thể tới hàng chục tỷ đồng. Một khoản chi phí quá lớn và không đáng có.

Thêm nữa, bởi do các loại vàng không phải thương hiệu SJC không được chấp nhận và do giá vàng lên cao nên dẫn đến tình trạng gia tăng làm vàng giả nhãn hiệu SJC cũng như gia tăng tình trạng nhập lậu vàng để kiếm lời. Điều này càng trở nên lo ngại bởi đó là những biểu hiện của sự bất ổn của nền kinh tế mà trong thực tế nhà nước khó có thể kiểm soát một cách hữu hiệu.

Từ những phân tích nêu trên cho thấy Nhà nước cần phải điều chỉnh chính sách: Đó là không để DN đặc quyền kinh doanh vàng. Mua vàng thương hiệu gì là lựa chọn của người dân. Cơ quan chủ quản phải quản lý chất lượng, không thể chấp nhận thương hiệu này mà phủ nhận các thương hiệu khác. Nếu cần một thương hiệu vàng của quốc gia thì nên chọn một thương hiệu riêng, có đóng dấu của NHNN chứ không nên ưu ái để một DN thành đại diện quốc gia. Ngay cả khi muốn tạo nên một thương hiệu vàng quốc gia cũng cần phải có lộ trình phù hợp và có cơ chế bình đẳng để các DN kinh doanh vàng khác cùng tồn tại, bởi đã là vàng đủ chất lượng thì có giá trị như nhau trong lưu thông.

Điều chỉnh chính sách cho phù hợp với yêu cầu thực tế là chuyện bình thường ở bất cứ quốc gia nào. Nếu sự điều chỉnh đó có lợi cho nền kinh tế, cho người dân thì càng cần phải làm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần điều chỉnh chính sách quản lý vàng cho hợp lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.