Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ làm thuê cho khách

Nguyễn Đức| 27/10/2012 08:17

(HNM) - Dịch vụ logistics (thường được hiểu nôm na là giao nhận kho vận đa phương thức) có vai trò rất quan trọng ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của ngành công nghiệp, thương mại mỗi quốc gia. Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về biển và đang phát triển kinh tế biển, dịch vụ logistics vì thế càng phải được quan tâm.


Theo Cục Hàng hải Việt Nam, phát triển dịch vụ logistics có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm vận hành sản xuất, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm với mức chi phí thấp nhất. Trong chuỗi dịch vụ cung ứng đó, vận tải là mắt xích quan trọng, không thể thiếu, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa giữa các châu lục. Khoảng 90% lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vào nước ta là qua đường hàng hải. Để đáp ứng nhu cầu đó, thị trường dịch vụ logistics đã có chuyển biến, nhưng còn nhiều hạn chế. Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Đỗ Hồng Thái cho biết, hiện cả nước có khoảng 800 DN hoạt động trong lĩnh vực này, nhưng năng lực hạn chế, thiếu kinh nghiệm, vốn ít.


Đồng quan điểm, ông Dương Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cho biết, dù là thành phố cảng, nhưng logistics hiện là khâu yếu của địa phương. Đến nay, Hải Phòng vẫn chưa có DN logistics đúng nghĩa. Ông Dương Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ thêm, logistics không chỉ là ngành đem lại nguồn lợi quan trọng mà còn có vai trò quan trọng hỗ trợ phát triển cảng biển, nhà sản xuất đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều DN đăng ký hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan tới logistics, nhưng đều là DN nhỏ, chủ yếu đóng vai trò cho thuê kho bãi, làm đại lý hải quan… Tuy đông, nhưng số DN hoạt động cung cấp dịch vụ logistics thực sự rất ít, lại thiếu kinh nghiệm, manh mún, chủ yếu là "gia công" lại cho DN nước ngoài. Logistics Việt Nam đang yếu toàn diện từ hạ tầng đến nhân lực.

Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Đỗ Hồng Thái cho rằng, hầu hết các DN logistics Việt Nam mới chỉ cung cấp dịch vụ cơ bản, phần lớn làm thuê cho các công ty đa quốc gia, ít mang lại giá trị gia tăng cho đất nước. Những hạn chế đó là nguyên nhân khiến chi phí logistics tại Việt Nam chiếm tới 25% GDP, trong khi tại các nước phát triển chỉ từ 9% đến 15%. Trong chi phí logistics ở nước ta, vận tải chiếm khoảng 30% đến 40%, trong khi ở các quốc gia khác là khoảng 15%. Chi phí vận tải, logistics cao đã làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh của dịch vụ, hàng hóa trong nước.

Phát triển logistics, chậm còn hơn không

Có nhiều nguyên nhân khiến ngành logistics nước ta kém phát triển. Điều đầu tiên phải nói tới là cơ sở hạ tầng vận tải hiện nay yếu kém, không đồng bộ, chưa tạo ra môi trường vận tải đa phương thức trong khi nhu cầu trung chuyển chất lượng cao ngày càng lớn. Sự kết nối giữa các loại hình giao thông với cảng biển hiện nay quá kém. Ngay tại các cảng cũng xuất hiện tình trạng kinh doanh chia nhỏ, vụn vặt. Ông Dương Ngọc Tuấn dẫn chứng, cảng Đình Vũ có nhiều DN tham gia, mỗi DN chỉ có 2-3 cầu cảng, thậm chí có DN "ôm đất" bỏ đấy. Ông kiến nghị phải có cơ chế hạn chế tình trạng phân chia nói trên. Để phát triển, Hải Phòng kiến nghị cần phát triển mạnh đường bộ cao tốc với các tỉnh trong khu vực. Dành diện tích để hình thành khu công nghiệp dịch vụ hậu cần cảng… Tổng Thư ký Hiệp hội chủ tàu Việt Nam Vũ Xuân Quỳnh cho rằng, cần xúc tiến nhanh những dự án trục giao thông đường bộ, đường sắt quy mô lớn kết nối liên vùng và với các cảng trọng điểm.

Bên cạnh hạ tầng, tại hội nghị chuyên đề về logistics mới đây, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động phát triển logistics. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, dự báo, khối lượng hàng hóa qua các cảng đến năm 2020 đạt khoảng 900 triệu tấn - 1,1 tỷ tấn, hàng hóa container qua cảng đạt khoảng 20,6 triệu TEU - 29,2 triệu TEU. Tốc độ tăng trưởng vận tải biển đạt 15%/năm, container đạt 17%/năm trong 10 năm lại đây cũng khẳng định việc xây dựng chương trình phát triển logistics là rất cần thiết để hỗ trợ phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, làm được điều đó cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành liên quan trong xây dựng và triển khai thực hiện. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định, logistics Việt Nam hiện chưa có kinh nghiệm và đang phải mày mò làm, nhưng dù muộn còn hơn không làm. Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương sớm xây dựng quy hoạch phát triển các hệ thống logistics trong cả nước đến năm 2020, tầm nhìn 2030…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ làm thuê cho khách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.