Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu phí giao dịch nội mạng ATM: Những ý kiến trái chiều

Ngô Hương| 13/12/2012 18:14

(HNMO) - Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến cá nhân, tổ chức về Dự thảo Thông tư quy định phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa...


Thông tin này đã thu hút nhiều ý kiến của người dân cũng như chuyên gia kinh tế.

Anh Nguyễn Văn Hùng (phường dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) cho rằng, việc trả phí giao dịch ATM là điều bình thường trên thị trường bởi các ngân hàng cần thu hồi vốn để đầu tư và duy trì các máy ATM. Tuy nhiên, khi thực hiện thu phí, ngân hàng cần đảm bảo chất lượng dịch vụ sẽ tốt hơn. Thời gian qua, dịch vụ ATM khá kém, điển hình vào những ngày cuối tuần tiền tại các máy ATM thường hết tiền, người dân phải mất thời gian đi hết cây ATM này đến cây ATM để rút.

Đồng quan điểm với anh Hùng, theo anh Trần Văn Hòa (xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm), chúng ta có thói quen dùng miễn phí nên bây giờ nghe đến việc thu phí rút tiền ATM nội mạng là cảm thấy bức xúc, nhưng việc này cũng là đúng quy luật của thị trường. Tuy nhiên, theo anh, việc thu phí nên miễn với một số đối tượng là học sinh, sinh viên…Mức thu cao hay thấp tùy thuộc vào số tiền mà khách hàng rút chứ không nên tính đồng loạt theo giao dịch. Chẳng hạn, nếu rút dưới 1 triệu đồng thì được miễn phí, còn rút từ 1 triệu đến dưới 3 triệu triệu đồng thì mất phí 1.000 đồng/giao dịch, rút từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng thì mất phí 2.000 đồng, từ 5 triệu đồng trở lên thì mất phí 3.000 đồng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cần nâng hạn mức số tiền khách hàng có thể rút mỗi lần, không nên để mức tối đa chỉ là 3 triệu đồng như hiện nay.

Trái ngược với hai ý kiến trên, chị Phạm Mai Hoa (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) lại bức xúc: Theo tôi biết, khi mở thẻ, trừ đợt khuyến mãi, người dùng đã phải mất phí ít nhất là 60.000 đồng, nhiều thì 100.000 đồng, và khi đã mở thẻ rồi, người dùng phải mất phí duy trì thẻ (như hiện nay với thẻ ATM của Vietinbank là 2.200 đồng/tháng), vậy mà bây giờ mỗi lần giao dịch người dùng lại còn phải mất phí nữa! Các ngân hàng đưa lý do là cần vốn để đầu tư cho máy ATM nhưng số dư tiền tại ATM họ chỉ trả lãi suất không kỳ hạn, tức rất rất thấp. Vậy, họ được hưởng lợi từ số tiền dư trong tài khoản của khách hàng sao không thấy họ “kêu ca” gì cả?!.

 Dự kiến, sẽ thu phí giao dịch nội mạng ATM từ tháng 3/2013.


Chị Trần Thanh Nhàn (xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm) lại băn khoăn: Mức phí 1.000 hay 3.000 đồng/giao dịch đối với nhiều người không phải là lớn nhưng với những người có thu nhập thấp thì lại là một vấn đề. Gia đình chị thuộc diện khá khó khăn, hàng tháng phải chắt chiu gửi tiền cho con ăn học ở Tp.HCM qua thẻ ATM. Nếu tính ra, số tiền phải thu phí là rất đáng kể.

Anh Trần Quang Minh (quận Tây Hồ) thì cho rằng, Nhà nước đang có chủ trương đẩy mạnh không dùng tiền mặt, trong khi niềm tin của người tiêu dùng với việc sử dụng thẻ ATM không cao bởi thời gian qua xảy ra nhiều trường hợp khách hàng bị mất tiền trong tài khoản. Vì vậy, theo anh, các ngân hàng nên lùi việc thu phí giao dịch nội mạng nhằm khuyến khích người dân giao dịch bằng thẻ thay vì tiền mặt, nếu không e rằng chủ trương của Nhà nước khó sớm được thực hiện.

Nói về việc thu phí nội mạng giao dịch ATM, T.S Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, việc thu phí ATM là quy luật của thị trường. Có điều thời gian đầu nhiều ngân hàng muốn mở rộng thị phần thẻ nên đã miễn phí, bây giờ họ mới thực hiện thu, và đây là điều bình thường. Tuy nhiên, trong thời điểm khó khăn, thanh toán không dùng tiền mặt chưa triển khai được bao nhiêu thì việc thu phí chưa có lợi lắm mặc dù nguyên tắc thị trường là đúng. Bởi vậy, các ngân hàng thương mại phải tự sắp xếp, cân đối và NHNN phải có chỉ đạo điều hành như thế nào nhằm đảm bảo vừa nâng cao hoạt động của các ngân hàng thương mại theo nguyên tắc thị trường, vừa đảm bảo tình hình thực tế.

Theo ông Kiêm, việc các ngân hàng tăng cường thu dịch vụ trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng khó khăn là phù hợp nhưng mức thu cũng phải phù hợp, không sẽ xảy ra tình trạng tận thu. Đặc biệt, phải xác định rõ ngân hàng phục vụ dịch vụ không tốt thì trách nhiệm của ngân hàng đó đến đâu.

Còn TS.Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế đưa ra quan điểm: Theo nguyên tắc thị trường, bất cứ khi sử dụng dịch vụ nào cũng phải trả phí. Thời gian qua, để khuyến khích khách hàng sử dụng và chất lượng dịch vụ chưa thực sử được đảm bảo, các ngân hàng chưa thu khi giao dịch nội mạng. Xét về khách quan, thời gian thực hiện miễn phí như vậy đã là đủ và bây giờ là thời điểm ngân hàng thu phí để thu hồi vốn đầu tư cho máy ATM. Tuy nhiên, khi thu phí thì ngân hàng cần đảm bảo chất lượng dịch vụ phải tốt lên và ngân hàng phải nâng hạn mức rút tiền. Tức nếu khách hàng rút 1 lần phải được ít nhất 5 triệu đồng thì ngân hàng mới thu phí để tránh trường hợp bất cứ giao dịch rút tiền nào, dù chỉ rút 500.000 đồng cũng phải thu phí nhằm tránh lạm thu.

Bên cạnh đó, ngân hàng cần xem xét mức thu bao nhiêu là hợp lý. Mức 1.000 đồng/giao dịch là chấp nhận được nhưng mức 3.000 đồng/giao dịch e rằng là cao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thu phí giao dịch nội mạng ATM: Những ý kiến trái chiều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.