Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp FAST 500: Cần tránh rủi ro do tăng trưởng quá nóng?

L.H| 15/03/2013 13:57

(HNMO) - Lễ công bố chính thức Bảng xếp hạng FAST500 – Top 500 doanh nghiệp (DN) tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam sẽ được tổ chức vào sáng 9-4 tại Hà Nội.

Đó là lần thứ ba liên tiếp Bảng xếp hạng FAST500 được công bố nhằm nghi nhận những nỗ lực và tôn vinh những DN năng động và tăng trưởng nhanh nhất – Những ngôi sao đang lên của nền kinh tế Việt Nam.

Tăng trưởng nhanh nhưng cần bền vững

Nhìn chung, DN tăng trưởng nhanh qua một thời kỳ đủ dài (từ 4-5 năm trở lên) luôn là một thành tích đang ghi nhận và tôn vinh, đặc biệt trong khoảng 5 năm vừa qua, khi nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh nền kinh tế và DN còn ở xuất phát điểm thấp như Việt Nam, việc ưu tiên tốc độ tăng trưởng là cần thiết.

Tuy nhiên, tăng trưởng nhanh cần đi kèm với tính bền vững. Tăng trưởng nhanh không phải không mang lại rủi ro cho DN, nhất là khi tài chính, năng suất và năng lực quản lý không kịp gia tăng tương ứng với tốc độ tăng trưởng của DN.

Nhìn chung, khi phát triển quá nhanh, DN sẽ có ít thời gian hơn để nghiên cứu thị trường, kiểm định các giả thuyết, hiểu và chế áp được đối thủ cạnh tranh và tối ưu hoá nguồn lực.



Có thể thấy rằng, những DN phát triển nhanh nếu bỏ qua việc xây dựng một kế hoạch kinh doanh chi tiết và tập hợp các nguồn lực hợp lý, rất hiếm khi thành công. Một nghiên cứu gần đây về hơn 1.000 DN trên toàn cầu của tạp chí Mc Kinsey chỉ ra rằng, chỉ 10% các DN có được lợi thế lâu dài từ tốc độ tăng trưởng nhanh. Trường hợp ngược lại, phát triển nhanh không đưa lại lợi ích gì, thậm chí còn gây khó khăn cho DN.

Tại Việt Nam, qua 3 năm liền công bố danh sách FAST 500 – Top 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, không quá khó để nhận ra bên cạnh nhiều DN FAST 500 thành công trong đường dài, có những DN FAST 500 khác lâm vào tình cảnh khó khăn sau một thời kỳ tăng trưởng nóng.

Ví như có thể ra những trường hợp như Tập đoàn Thái Hòa, DN thứ hạng cao trong BXH FAST 500 năm 2011, từng được coi là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam với 12 công ty con, công ty thành viên từ Nam chí bắc, nay đang oằn lưng gánh khoản lỗ lũy kế đến hơn 400 tỷ đồng, chủ yếu do vay nợ quá nhiều, đầu tư quá lớn và dàn trải, trong bối cảnh thị trường thu hẹp.

Hoặc ngay trong BXH FAST500 năm 2012 vừa công bố, sử dụng số liệu tăng thu doanh thu giai đoạn 2008 -2011, có một số doanh nghiệp ngay sau khi tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2008-2011, lọt vào BXH FAST500, nhưng ngay trong năm 2012 đã gặp khó khăn nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh.

Theo đó, có thể kể ra trường hợp của công ty cổ phần chứng khoán SME hoặc một vài DN khác gặp thua lỗ lớn trong năm 2012 cho dù đã đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng về doanh thu trong giai đoạn 2008 – 2011.

3 điều kiện giúp tăng trưởng đột phá

Theo các chuyên gia, để bền vững và trở thành DN hàng đầu, DN tăng trưởng nhanh cần dựa trên 3 yếu tố. Một là dựng các rào cản gia nhập thị trường. Phát triển với tốc độ "cực đại" chỉ có nghĩa nếu DN biết giữ và tạo mối quan hệ tốt với khách hàng cũng như cô lập đối thủ cạnh tranh. DN cần tạo dựng rào cản gia nhập thị trường bằng cách "đóng đinh" các nguồn lực chính hoặc tạo mối quan hệ cực kỳ thân thiết với những nhà cung cấp nguồn lực chính. Hai là xầy dựng một thị trường tiềm năng rộng lớn. Ngay cả khi có thể dựng lên các rào cản gia nhập, rủi ro của việc phát triển nhanh vẫn có thể rất lớn trừ phi DN có một thị trường tiềm năng rộng lớn - đủ dung lượng cho sự phát triển của DN trong 5-10 năm nữa. Cuối cùng, không nên theo đuổi nếu như sự tồn tại của bản thân DN lại phụ thuộc quá nhiều vào các nhân tố nằm ngoài tầm kiểm soát của chính DN. Những nhân tố này có thể là các bất ổn về công nghệ, môi trường pháp lý thay đổi nhanh chóng, một đối thủ cạnh tranh rất lớn đang chờ sẵn, hoặc các nguồn lực chủ yếu đã bị các DN khác kiểm soát.

Như vậy, DN chỉ có thể sử dụng chiến lược "ưu tiên tốc độ" khi đáp ứng được cả 3 điều kiện trên.

Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, có thể thấy rất khó để cùng lúc đáp ứng được cả 3 điều kiện này. Do vậy các DN tăng trưởng nhanh thuộc FAST 500, một mặt có thể tự hào với những thành tích đã đạt được, nhưng cũng vẩn rất cần cẩn trọng khi lập kế hoạch cho tương lai, bởi vì tăng trưởng nhanh chỉ là phương tiện, chứ không phải là mục tiêu cuối cùng cần đạt đến của DN.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp FAST 500: Cần tránh rủi ro do tăng trưởng quá nóng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.