Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp không còn nhận ưu đãi từ ngân sách

Đặng Loan| 03/04/2013 07:34

(HNM) - Nét mới và cũng là điểm nổi bật nhất trong chương trình bình ổn giá thị trường năm 2013 của thành phố Hồ Chí Minh là không sử dụng nguồn vốn ngân sách để cho các doanh nghiệp (DN) vay thực hiện chương trình. Thay vào đó, các tổ chức tín dụng, ngân hàng cùng tham gia sẽ hỗ trợ các DN vay vốn với lãi suất thấp.



Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố (TP) cho biết, năm 2013 vẫn tiếp tục triển khai thực hiện 4 chương trình bình ổn thị trường, gồm: lương thực thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng khai trường, sữa và các mặt hàng dược phẩm. Có tất cả 63 DN tham gia 4 chương trình, trong đó có 48 DN đã tham gia năm 2012 và 15 DN mới. Có 59 DN sản xuất kinh doanh và 4 DN tín dụng, ngân hàng. Lượng hàng hóa tham gia bình ổn trong năm 2013 và Tết Giáp Ngọ 2014 chiếm 30-40% thị trường, tăng 10-20% so với trước. Số lượng dược phẩm thiết yếu tham gia bình ổn tăng 4 nhóm và trên 200 mặt hàng so với năm 2012 (21 nhóm thuốc với khoảng 300 mặt hàng so với 17 nhóm, 85 mặt hàng của năm 2012).

Bà Lê Ngọc Đào cho biết thêm, sau hơn 10 năm thực hiện, chương trình bình ổn năm nay có nhiều thay đổi nhằm phát triển mang tính chiều sâu. Điểm đặc biệt nhất là TP không thực hiện hỗ trợ vốn vay với lãi suất 0% từ nguồn ngân sách như những năm trước, thay vào đó sẽ thực hiện kết nối DN với các ngân hàng, tổ chức tín dụng tham gia chương trình để giúp DN vay vốn với lãi suất thấp. Bên cạnh đó, TP sẽ hỗ trợ DN bằng nhiều cơ chế, chính sách khác như hỗ trợ lãi vay cho các dự án kích cầu, gồm các dự án chăn nuôi, mở rộng chuồng trại, đầu tư đổi mới công nghệ… để mở rộng sản xuất, tạo nguồn hàng bình ổn cho thị trường. Chương trình cũng sẽ thực hiện hỗ trợ DN kết nối đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối, thông tin, truyền thông, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu… Hiện 4 DN tín dụng, ngân hàng tham gia chương trình gồm Agribank, Eximbank, Sacombank, BIDV đã đăng ký nguồn vốn 1.850 tỷ đồng. Trong đó, các ngân hàng dành 750 tỷ đồng với lãi suất cho vay 6% cho các DN vay ngắn hạn (12 tháng) để tổ chức sản xuất kinh doanh, dự trữ hàng hóa cung ứng thị trường; 1.100 tỷ đồng lãi suất 10% cho vay trung và dài hạn để hỗ trợ DN đầu tư các dự án sản xuất, chăn nuôi.

Bốn chương trình sẽ được thực hiện từ ngày 1-4-2013 đến 31-3-2014. Các mặt hàng phục vụ học sinh, sinh viên cũng thực hiện bình ổn suốt năm thay vì chỉ trong tháng mùa khai giảng như trước đây. Nhóm hàng hóa bình ổn mùa khai trường thấp hơn giá thị trường ít nhất 10%. Giá bán các nhóm hàng lương thực thực phẩm thiết yếu và dược phẩm cũng sẽ luôn thấp hơn giá thị trường 5-10%. DN điều chỉnh giá bán khi giá nguyên liệu đầu vào và chi phí sản xuất tăng 5-10% và điều chỉnh giảm khi giá thị trường giảm 5% trở lên. Trường hợp giá thị trường giảm chưa tới 5%, DN phải thực hiện chương trình khuyến mãi phù hợp giá thị trường. Riêng mặt hàng sữa phải giữ nguyên giá bán đã đăng ký ổn định suốt năm.

Năm 2012, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TP chỉ 4,07% trong khi mức tăng cả nước là 6,81%. Đây là mức tăng thấp nhất của TP trong 10 năm gần đây. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, chỉ số trên có sự đóng góp rất lớn của chương trình bình ổn giá. Từ những năm đầu tiên TP phải hỗ trợ vốn vay với lãi suất 0%, đến năm 2012 có nhiều DN không nhận vốn và năm 2013 không còn hỗ trợ vốn vay lãi suất 0% là nỗ lực lớn của TP. Để chương trình bình ổn ngày càng đạt hiệu quả cao, mang tính dài hạn, TP cũng đã triển khai các đề án phát triển chăn nuôi tạo nguồn hàng; phát triển hệ thống bán buôn bán lẻ; hợp tác thương mại với các tỉnh miền Đông, Tây Nam bộ tạo điều kiện cho các DN kết nối cung ứng hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp không còn nhận ưu đãi từ ngân sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.