Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển kinh tế biển - Quá nhiều bất cập

Tuấn Lương| 28/06/2013 06:37

(HNM) - Cần xây dựng quy hoạch phát triển không gian biển toàn diện trên cơ sở khoa học tiên tiến với sự tham gia và phối hợp giữa các bên có liên quan ở tầm quốc gia cũng như khu vực...

Nhiều cơ hội đầu tư

Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2020, nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp CNH - HĐH, làm cho đất nước giàu, mạnh. Đến năm 2020, KTB và ven biển đóng góp 53-55% GDP; thu nhập bình quân đầu người khu vực duyên hải cao gấp 2 lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước; một số thương cảng quốc tế tầm cỡ khu vực và một số tập đoàn kinh tế mạnh sẽ hình thành…

Kinh tế biển hiện đóng góp trên 50% tổng GDP của cả nước.


Ông Nguyễn Hoàng Hà (Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, kể từ khi chiến lược biển ra đời (năm 2007), Nhà nước đã ưu tiên đầu tư 5 nhóm ngành, lĩnh vực, đó là: Khai thác, chế biến dầu khí; kinh tế hàng hải; khai thác và chế biến hải sản; du lịch biển và kinh tế hải đảo; khu kinh tế ven biển. Nhờ đó, KTB nói chung đã có sự khởi sắc, mang lại những kết quả đáng kể. Hiện nay, cả nước có 18 khu kinh tế ven biển, 7 sân bay, hơn 90 cảng biển và 65 đô thị… GDP từ biển và khu vực ven biển ước chiếm 50% tổng GDP cả nước. Theo ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, với tiềm năng to lớn về địa chính trị để phát triển KTB, Việt Nam hội tụ nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực hàng hải. Để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, đến nay Việt Nam đã ký hiệp định hàng hải với 21 quốc gia; phát triển mạnh hệ thống cảng biển với tổng cộng 162 bến cảng, 345 cầu cảng. Riêng lĩnh vực vận tải biển, đội tàu biển Việt Nam có tổng trọng tải đứng hàng thứ 31 thế giới.

Trình độ khai thác lạc hậu

Bên cạnh tiềm năng lớn, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trình độ khai thác biển của chúng ta vẫn còn lạc hậu so với các nước trong khu vực. Sự lạc hậu này dẫn tới những hậu quả như làm gia tăng nguy cơ biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển, các khu bảo tồn biển. Đời sống dân cư ven biển, đảo còn nhiều khó khăn. Tất cả những điều này buộc chúng ta phải có những bước đi thích hợp trong sự phát triển các ngành kinh tế biển.

Ông Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam chỉ rõ, KTB đang phát triển dưới mức tiềm năng, mà lý do chủ yếu vẫn là cơ chế, chính sách chưa đủ thông thoáng. Đến nay, cơ chế, chính sách đối với KTB không có gì đặc thù đáng kể so với khung chính sách chung, đều trong khuôn khổ các luật quốc gia như Luật Đầu tư, Thương mại, Hải quan... KTB là mang tính đặc thù nên cần có một cơ chế, chính sách đặc thù, khác biệt với cơ chế, chính sách chung hiện hành. Các chính sách mang tính địa phương lại cần lưu ý những quy định, chính sách phù hợp cho KTB phát triển, trong đó cần có chính sách phát triển khoa học, chính sách bảo tồn các di sản thiên nhiên và văn hóa, chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu… Ngoài ra, đã đến lúc phải xem xét, bổ sung và hoàn thiện toàn bộ Luật Bảo vệ môi trường, hoàn chỉnh hệ thống các tiêu chuẩn về môi trường, nâng các tiêu chuẩn này lên mức ngang với tiêu chuẩn của các nước công nghiệp mới, để Luật Môi trường của ta không những đủ sức răn đe, mà còn tương hợp với Luật Môi trường quốc tế.

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhấn mạnh, nước ta hiện có hơn 300 khu công nghiệp có cơ cấu sản xuất na ná nhau, 15 khu kinh tế không có sự khác biệt nhiều nên chưa hình thành được kinh tế vùng yếu tố cấu thành nên nền kinh tế quốc dân có năng lực cạnh tranh cao. Do đó, cần xây dựng quy hoạch phát triển không gian biển toàn diện trên cơ sở khoa học tiên tiến với sự tham gia và phối hợp giữa các bên có liên quan ở tầm quốc gia cũng như khu vực; không chỉ chú trọng khai thác tiềm năng hiện có mà cần coi trọng việc bảo tồn để khai thác tốt hơn tiềm năng trong tương lai. Để nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu vì biển thì phải khai thác thế mạnh ở tất cả các tỉnh ven biển từ Móng Cái đến Cà Mau, đồng thời phát huy tốt nhất lợi thế và khắc phục nhược điểm của từng vùng kinh tế, từng địa phương để tránh lãng phí nguồn lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế biển - Quá nhiều bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.