Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều doanh nghiệp sản xuất thép thua lỗ

Lan Hương| 09/07/2013 15:43

(HNMO) – Thị trường BĐS, đầu ra chính của ngành thép đang bị “đóng băng”, dòng vốn cho thị trường BĐS chưa được khơi thông; thép giá rẻ từ Trung Quốc tiếp tục nhập vào Việt Nam… khiến các DN thép trong nước lao đao.

Tại hội nghị trực tuyến của Tổng công ty Thép tổ chức chiều 9-7 cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh của các DN ngành thép tiếp tục không thuận lợi. Nguyên nhân chủ yếu do trong hai quý đầu năm nhu cầu tiêu dùng thép thấp và không ổn định. Các giải pháp của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất vẫn chưa có tác dụng tích cực đối với các DN, nhất là các DN trong ngành vật liệu xây dựng nói chung và ngành thép nói riêng.

Về nội tại của ngành thép trong nước, nguồn cung tất cả các nhóm mặt hàng (phôi thép, thép dài, thép dẹt) ngày càng tăng trong khi cầu không tăng, tiêu thụ chậm dẫn đến dư thừa sản lượng, tồn kho cao. Các nhà sản xuất thép trong nước cạnh tranh quyết liệt, giảm giá để chiếm thị phần. Nhiều thời điểm các nhà sản xuất phải tiết giảm sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng.

Tình hình tiêu thụ thép xây dựng thép khá chậm, do giá thép phế liệu và phôi thép nhập khẩu giảm mạnh, dẫn đến giá thép xây dựng trong nước giảm. Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng vào công trình cũng giảm sút do nợ kéo dài.


Minh chứng thêm về vấn đề trên, ông Lê Phú Hưng – Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép cho biết: Quý 2 vừa qua, thép dài cho xây dựng giảm hơn 2 triệu đồng/tấn. Thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam chỉ bằng giá phôi. Các nhà sản xuất lệ thuộc vào sắt thép vụn lỗ liên tục.

Với Tổng công ty Thép hiệu quả sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm rất kém, 7/13 công ty con lỗ, 5 công ty liên kết cũng trong tình trạng lỗ, 2 công ty thép trực thuộc cũng chung “bài ca” lỗ. Gang thép Thái Nguyên là đơn vị gặp nhiều khó khăn nhất trong thời gian qua. Trong 6 tháng, sản lượng thép cán toàn Tổng công ty mới đạt 44,7%; tiêu thụ 1,120 triệu tấn, tăng 6,9% so với cùng kỳ. Tồn kho đến cuối tháng 6 là: phôi thép gần 46.000 tấn, thép cán dài trên 116.000, thép cán dẹt gần 3.300 tấn và sản phẩm sau cán trên 27.300 tấn. Bên cạnh đó, công ty mẹ phải vay trong đầu tư, nên áp lực phải giảm chi phí tồn kho rất lớn.

Ông Lê Phú Hưng nhấn mạnh: Từ cuối năm 2011 đến nay đã có vài trăm công ty trong cả nước phá sản. Mục tiêu của Tổng công ty là phải từng bước tháo gỡ khó khăn, giải quyết công ăn việc làm, tạo đà phát triển. Trong 6 tháng cuối năm, Tổng công ty (có 44 đơn vị thành viên, công ty con, công ty liên kết) phải tạo được sự gắn kết giữa các thành viên, liên kết giữa các đơn vị sản xuất, lưu thông, ưu tiên sử dụng sản phẩm lẫn nhau, cùng tạo ra sức mạnh. Các đơn vị cũng phải tiếp tục áp dụng các giải pháp kỹ thuật, thực hành tiết kiệm, giảm giá thành, nâng cao đời sống cho người lao động. Các đơn vị cũng phải lưu ý chính sách khoán tiết kiệm vật tư với người lao động (áp dụng từ quý 3).

Riêng về phần đầu tư, ông Lê Phú Hưng cho rằng ở bối cảnh hiện tại, cần tiếp tục cân nhắc, chỉ đầu tư những dự án thực sự hiệu quả, vì nguồn lực của Tổng công ty không có (hoàn toàn là vốn vay). Những dự án lớn được tập trung là Nhà máy gang thép Lào Cai (dự kiến ra phôi thép trong tháng 10); hỗ trợ Công ty CP gang thép Thái Nguyên tiếp tục thực hiện giai đoạn 2, vay vốn để thực hiện, thúc đẩy các nhà thầu thi công xây dựng và lắp đặt theo hợp đồng đã ký. Bên cạnh đó, một số dự án lớn của Tông công ty sẽ không thể triển khai như dự án 2 triệu tấn thép cán nóng (tổng công ty không tìm được đối tác tiềm năng cho dù đã đàm phán với Nga, Nhật, Malaysia )…

Cuối cùng, ông Lê Phú Hưng cũng cảnh báo tình trạng sản xuất thép sử dụng thép gầy, phôi chất lượng kém… để làm ra thép không đúng tiêu chuẩn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Tham dự hội nghị, đại diện Bộ Công thương nhận định trong 6 tháng cuối năm, thị trường thép sẽ nhiều khó khăn hơn thuận lợi: cung vượt cầu, công nghệ sản xuất thép cũ vẫn tiêu hao rất nhiều điện; thép Trung Quốc giá rẻ tiếp tục bán vào Việt Nam. Yếu tố thuận lợi duy nhất là lãi suất vay đầu tư đang giảm. Theo đó, để phát triển trong 6 tháng cuối năm, các đơn vị trong Tổng công ty phải cạnh tranh về giá thành và chất lượng sản phẩm, gắn liền đầu tư với hiệu quả các dự án. Thực tế đầu tư dự án sản xuất thép đòi hỏi vốn lớn, không lựa chọn công nghệ phù hợp dể gây rủi ro. Bộ Công thương sẽ cùng Bộ Tài chính thu xếp nguồn vốn cho Gang thép Thái Nguyên và gang thép Lào Cai, là 2 dự án lớn nhất ngành thép hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều doanh nghiệp sản xuất thép thua lỗ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.