Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huy động tổng lực cho khu vực nông thôn

Thanh Mai| 23/07/2013 05:58

(HNM) - Tròn 5 năm Thủ đô Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính là thách thức thực sự đối với Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI).

Đưa điện lưới về xã Tản Hồng, huyện Ba Vì. Ảnh: Đàm Duy


Ngay sau khi hợp nhất, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, EVN HANOI đã tổ chức tiếp nhận và tiến hành thủ tục vay vốn tại Quỹ Đầu tư phát triển để cải tạo nâng cấp lưới điện hạ thế tại 13 xã miền núi với tổng mức đầu tư 98,475 tỷ đồng. Đến nay công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. EVN HANOI cũng tổng hợp nhu cầu đầu tư phần trung áp cho đồng bộ với lưới điện hạ áp tại các xã tham gia dự án RE2 giai đoạn 2 để xây dựng mới 191 trạm biến áp (TBA) công suất 72.042kVA; nâng công suất 85 TBA tăng thêm 15.120kVA; xây dựng mới 103km đường dây trung áp. Việc tiếp nhận và hoàn trả vốn lưới điện hạ áp nông thôn từ nguồn vốn khấu hao trong các năm 2010, 2011 và 2012 được tích cực triển khai. Đến ngày 31-12-2012, EVN HANOI đã hoàn trả xong 941 công trình, đạt 100% số công trình theo quyết định của Hội đồng định giá các quận, huyện, thị xã.

Hiện nay EVN HANOI đã bán điện trực tiếp đến hơn 91% số hộ sử dụng điện trên toàn địa bàn. Trong tổng số 1,878 triệu hộ điện lực quản lý có hơn 815 nghìn hộ được tiếp nhận từ các tổ chức kinh doanh điện nông thôn. Trong đó, từ tháng 8-2008 đến nay đã tiếp nhận và bán điện trực tiếp đến 236 xã, phường, thị trấn và một phần của 19 xã với hơn 577 nghìn hộ dân được mua điện trực tiếp của ngành điện. Riêng năm 2012 đã tiếp nhận và bán điện trực tiếp đến 9 xã với 26.519 hộ sử dụng điện (trên 29 nghìn công tơ điện). Tổng mức đầu tư cải tạo lưới điện tại các khu vực tiếp nhận từ năm 2008 đến nay khoảng 1.152,7 tỷ đồng, vượt mức so với yêu cầu của Nghị quyết 22/NQ-HĐND đề ra.

Để cung cấp điện an toàn và ổn định, công tác tuyên truyền về biện pháp an toàn, tiết kiệm trong sử dụng điện được EVN HANOI quan tâm thực hiện. Tổn thất lưới điện khu vực nông thôn đã giảm từ gần 30% lúc trước tiếp nhận xuống còn 10,07%, góp phần giảm gánh nặng đầu tư nguồn. Người dân được hưởng nguồn điện với chất lượng tốt, an toàn hơn; các sự cố được xử lý kịp thời, hạn chế tối đa tai nạn về điện. Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh điện nông thôn bàn giao lưới điện cho ngành, Tổng Công ty đã hướng dẫn các Công ty Điện lực trực thuộc ký hợp đồng dịch vụ điện năng và đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ...

Những giải pháp trên đã giúp EVN HANOI đáp ứng cơ bản nhu cầu về điện năng cho sinh hoạt, phát triển kinh tế tại khu vực mới tiếp nhận và trên toàn địa bàn thành phố nói chung. Việc cung cấp điện liên tục, chất lượng đã giúp cho tiêu chí về điện trong chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện nhanh, đáp ứng các quy định về lưới điện. Hiệu quả kinh doanh tăng lên do giá bán điện bình quân tăng so với bán điện qua công tơ tổng.

Ý kiến nhân dân
Ông Nguyễn Văn Luật (xã Vật Lại, huyện Ba Vì): Nước sạch sẽ không còn là nỗi lo của người dân nông thôn

Để khắc phục tình trạng thiếu nước sạch vùng nông thôn, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố luôn quan tâm và đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, 100% hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 60% số hộ dùng nước sạch theo tiêu chuẩn Bộ Y tế… Với sự quan tâm sát sao của các cấp chính quyền, sự đồng lòng nỗ lực cố gắng của cán bộ và nhân dân Thủ đô trong 5 năm qua và những năm tiếp theo, tôi hy vọng vấn đề nước sạch không còn là nỗi lo của mỗi người dân.

Ông Nguyễn Văn Hoài (phường Đồng Tâm, Hai Bà Trưng): Diện mạo Thủ đô ngày càng đổi mới

Việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô đã đem lại cho Hà Nội một không gian đủ lớn, đủ quỹ đất thuận lợi để xây dựng Thủ đô với không gian đô thị hiện đại bên cạnh một đô thị cổ kính, lịch sử. 5 năm qua, diện mạo Thủ đô đã có những thay đổi lớn. Nhiều khu đô thị mới, trung tâm văn hóa, thương mại, giải trí được đầu tư xây dựng. Nhà ở xã hội được xây dựng đáp ứng nhu cầu cho người khó khăn về chỗ ở, cho công nhân, sinh viên. Các cây cầu vượt trong nội đô, cầu vượt ngoài đô thị, đường cao tốc trên cao, các cây cầu vượt sông Hồng: Thanh Trì, Vĩnh Tuy… tạo nên hình ảnh một Thủ đô năng động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đưa Hà Nội trở thành trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Hà (xã Đông Quang,huyện Ba Vì): Hộ khó khăn được quan tâm hỗ trợ

Kể từ ngày mở rộng địa giới hành chính, những hộ dân thuộc diện nghèo, cận nghèo, rủi ro tai nạn… trên địa bàn Thủ đô được đặc biệt quan tâm cả về vật chất và tinh thần. UBND thành phố, các địa phương đã cụ thể hóa các chính sách xóa đói, giảm nghèo thông qua nhiều chương trình, dự án, giúp các hộ nghèo được tiếp cận nhiều nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế, tiếp thu kiến thức, tiến bộ KHKT áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… Người dân kỳ vọng, trong những năm tiếp theo, thành phố tiếp tục có thêm chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với hộ nghèo, giúp họ tự vươn lên thoát nghèo.

Ông Nguyễn Văn Hải (xã Đốc Tín,huyện Mỹ Đức): Phát triển bền vững du lịch văn hóa, sinh thái

Từ khi mở rộng địa giới hành chính, tiềm năng du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch làng nghề truyền thống tại các vùng danh lam thắng cảnh như Khu di tích Cổ Loa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, phố cổ, Thành cổ Sơn Tây, Làng cổ Đường Lâm, vùng du lịch Hương Tích - Quan Sơn, Suối Hai - Ba Vì… luôn được các cấp chính quyền, ngành chức năng quan tâm, phát huy, khai thác thế mạnh. Mong rằng ngành du lịch của Thủ đô đạt được những kết quả khả quan hơn nữa, cán bộ và nhân dân Thủ đô nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường, văn hóa giao tiếp, ứng xử… để Hà Nội luôn là thành phố du lịch văn hóa, sinh thái hấp dẫn mọi du khách.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Huy động tổng lực cho khu vực nông thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.