Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tết về, nông dân buồn hiu vì... giá rau xanh quá rẻ

Minh Huệ| 30/01/2014 15:03

(HNMO)- Không ít gia đình nông dân ở ngoại thành Hà Nội đón Tết Giáp Ngọ này thật đìu hiu,như không có Tết vì giá bán nông sản quá rẻ. Theo họ chưa có dịp Tết nào giá rau xanh lại rẻ đến vậy...

Một tạ bắp cải không mua nổi cân thịt lợn

Ngày 30 Tết, tại các làng quê ven đô, hầu hết các chợ dân sinh vẫn họp cho đến tận chiều tối. Trong dòng người mua bán tấp nập ngày cuối năm, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những bác nông dân ngồi “đuổi ruồi” bên chiếc xe thồ chở đầy su hào, bắp cải mà không mấy người hỏi đến. Ngày 30 Tết, dạo qua một lượt các chợ quê ven đô, bắt gặp những hình ảnh này mà không khỏi chạnh lòng!

Nặng trĩu tâm trạng vì rau quá rẻ (ảnh chụp: ngày 30 Tết Giáp Ngọ)


Trưa 30 Tết, tại khu chợ tạm cầu Tó (Thanh Trì, Hà Nội) ven quốc lộ 70 (Hà Đông-Văn Điển) lọt thỏm trong dòng người tấp nập đi mua sắm, đi chơi Tết, ông Nguyễn Văn Ích ngồi bên chiếc xe máy tàu cũ rích chở đầy hai sọt bắp cải với vẻ mặt thẫn thờ, trệu trạo nhai chiếc bánh mỳ cho xong bữa. Ông ngậm ngùi: “Buồn quá chú ạ! Giờ này hầu hết mọi người đang sum vầy cùng gia đình bên mâm cơm tất niên, còn tôi thì vẫn còn ngồi đây khóc dở, mếu dở vì xe bắp cải. Giá rẻ còn hơn bèo, đổ đi thì tiếc nên đành ngồi bán, hy vọng thu được đồng nào hay đồng ấy. Thế mà ngồi từ sáng đến bây giờ mới bán được vài cái”. Ông cho biết, nhà ông ở xã Thư Phú, huyện Thường Tín (Hà Nội), cách chỗ bán hàng khoảng 15 cây số. Gia đình ông có hơn 1 sào ruộng trồng rau màu. Bình quân mỗi năm quay vòng 3-4 vụ rau, chủ yếu là su hào, bắp cải. Theo ông Ích, gia đình ông vẫn lấy công làm lãi nên vừa trồng rau vừa tự thu hoạch và mang đi bán tại các chợ quê thuộc địa bàn các xã ven đô của huyện Thanh Trì.

Rẻ như bèo mà cũng không ai mua!


Cách đây hơn 3 tháng, bình quân giá bán mỗi củ su hào cũng được 5-7 nghìn đồng; bắp cải cũng được 10-12 nghìn đồng/kg. “Bởi vậy, khi bắt tay vào trồng vụ mới để phục vụ dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, gia đình tôi khấp khởi mừng thầm sẽ có một khoản kha khá để ăn Tết. Ai ngờ giá quá rẻ mạt, chú ạ! Bán một cái bắp cải khoảng 3 cân mà không được nổi 5 nghìn. Đã thế lại còn rất ít người mua!”- ông Ích thất vọng. Ông Ích cho biết thêm, khoảng nửa tháng trở lại đây, gia đình ông đã thu hoạch bắp cải, su hào mang đi bán nhưng giá bán cũng vẫn không hơn gì ngày hôm nay.

10 nghìn 8 củ su hào (ảnh chụp: ngày 29 Tết Giáp Ngọ)


Hơn 10 ngày trở lại đây, chị Nguyễn Thị Thắm (cũng ở Thường Tín), ngày nào cũng vậy, với chiếc xe đạp chở đầy 2 sọt bắp cải, su hào, chị dạy từ 3-4 giờ sáng để kịp đến với chợ dân sinh Cự Đà (huyện Thanh Oai) họp vào buổi sáng, rồi bán không hết, trưa đến chị lại đạp về chợ Chùa (Hữu Hòa, Thanh Trì) để bán nốt. Chị Thắm cũng không tránh khỏi thất vọng ê chề bởi giá rau những ngày cận Tết lại quá rẻ. Rơm rớm nước mắt, chị bộc bạch: “Cả xe rau bắp cải đến gần tạ, bán xong không mua nổi một cân thịt lợn ngon. Nhưng vì tiếc của nên tôi vẫn cố gắng đi bán cho hết ruộng rau nhà mình mong gỡ lại được phần nào chi phí giống, phân bón”.

Giá gà ta cũng rẻ hơn ngày thường


Khoảng nửa tháng trở lại đây, tại các làng quê ven đô Hà Nội, chuyện rau xanh quá rẻ trở thành đề tài “nóng” của các bà, các chị nội trợ. Ai cũng thương người nông dân vất vả một nắng hai sương mà kết quả thu lại không tương xứng với công sức của họ. Trên thực tế, với giá rau bắp cải, su hào như thời gian gần đây, thậm chí họ còn lỗ chi phí sản xuất nói gì đến công sức lao động. Theo ông Ích, chị Thắm, ở quê họ rất nhiều gia đình trồng rau phục vụ Tết Nguyên đán này, nhưng vì rau quá rẻ không bõ công mang đi bán nên cứ bỏ mặc không thu hoạch, để ăn Tết xong rồi tính tiếp.

Hàng hóa bán chậm...

Có thể nói, nguyên nhân dẫn đến rau xanh quá rẻ vào dịp Tết năm nay là do cung vượt quá cầu. Còn nguyên nhân cung vượt quá cầu thì lại có nhiều nhưng chủ yếu vẫn là thời tiết thuận lợi, hơn thế vẫn là chuyện không có dự báo, quy hoạch, người nông dân vẫn trồng theo tự phát, cảm tính.

Bán quất nhưng không có khách nên quay ra chơi chắt giải khuây (ảnh chụp: ngày 29 Tết Giáp Ngọ)


Không nói đến ngày 30 Tết hôm nay, mà những ngày cận Tết (27, 28, 29 tháng Chạp), tại các chợ ven đô, bên cạnh su hào, bắp cải rẻ, thì giá một số loại thực phẩm nhìn chung cũng rẻ hơn so với ngày thường, chưa nói là so với dịp Tết năm ngoài. Trong đó, giá gà ta (cũng vào loại ngon) chỉ dao động từ 65-70 nghìn đồng/kg; súp lơ 5-6 nghìn đồng cái (đầu vụ 15 nghìn đồng/cái)...

Đào, quất rẻ mà không có người mua


Ngoài ra, hoa, cây cảnh như đào, quất tại khu vực ven đô cũng rẻ đến bất ngờ: Ngày 28, 29 Tết, bỏ ra khoảng 2-3 trăm nghìn đồng là có thể mua được một cây quất khá đẹp (vừa có dáng, có thể lại có cả hoa, quả, lộc đầy đủ); 3-4 trăm nghìn đồng là có cây đào bích ưng ý. Tuy nhiên, người mua cũng rất ít...

Chiều 30 Tết Giáp Ngọ mà hàng hóa vẫn không bán được


Đúng như dự báo, dịp Tết năm nay, sức mua sắm của người dân giảm mạnh hơn so với năm trước, hình như ai cũng “thắt lưng, buộc bụng”, thắt chặt chi tiêu vì thu nhập eo hẹp. Tại khu vực ngoại thành Hà Nội, trong đó có khu vực ven đô, theo các chủ đại lý, cửa hàng bán bánh, mứt, kẹo, đồ uống (nước ngọt, bia), dịp Tết năm nay họ thất thu quá lớn vì hàng bán quá chậm, ế ẩm. Đến trưa 30 Tết mà nhiều cửa hàng, đại lý vẫn gần như còn nguyên hàng so với cách đây chục hôm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết về, nông dân buồn hiu vì... giá rau xanh quá rẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.