Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạn chế gian lận, chống thất thu

Hương Ly| 14/02/2014 06:56

(HNM) - Sau thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 1-4 tới đây, Tổng cục Hải quan (TCHQ) sẽ chính thức vận hành hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS).

Với những ưu việt của hệ thống VNACCS/VCIS, hoạt động thương mại xuất nhập khẩu (XNK) của doanh nghiệp (DN) sẽ có nhiều thuận lợi, tuy nhiên một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để hạn chế tình trạng gian lận thương mại, chống thất thu ngân sách khi áp dụng phương thức thông quan tự động.


Hướng tới phương thức "hải quan phi giấy tờ"

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, năm 2013 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 132,17 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012. Cùng với sự phát triển và hội nhập mạnh mẽ của nền kinh tế, việc tạo thuận lợi cho hoạt động XNK luôn được Chính phủ quan tâm hàng đầu.

Để thực hiện điều này, trong năm 2013, TCHQ đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng DN khi tham gia hoạt động XNK. Đáng kể là thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) đã được triển khai tại 34/34 Cục Hải quan tỉnh, thành phố, thu hút 49.900 DN tham gia, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 96% tổng số DN thực hiện thủ tục hải quan. Kim ngạch XNK bằng TTHQĐT năm qua đạt 252,8 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ và chiếm 96% tổng trị giá XNK.

Từ những kết quả đạt được từ việc triển khai TTHQĐT, TCHQ đã tích cực triển khai thực hiện dự án VNACCS/VCIS. Đến cuối năm 2013, đã có 8.618 DN và 6.886 công chức hải quan đăng ký tham gia chạy thử hệ thống VNACCS/ VCIS. Theo các chuyên gia, thực hiện TTHQĐT cho phép kiểm tra và thông quan một lô hàng XNK từ 6 đến 15 phút, thì khi áp dụng VNACCS/VCIS, việc thông quan một lô hàng chỉ trong vài giây.

Tại Cục Hải quan Hà Nội, đến cuối tháng 1-2014, đã có 1.502 DN đăng ký tài khoản sử dụng VNACCS/VCIS, trong đó, 605 DN khai thử nghiệm thành công trên hệ thống (chiếm 33,3%). Ông Nguyễn Văn Trường, Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội cho biết, việc triển khai VNACCS/VCIS sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho cộng đồng DN do thời gian thông quan nhanh hơn, độ chính xác cao hơn, hệ thống vận hành ổn định hơn, tiến đến phương thức thủ tục hải quan phi giấy tờ. Qua đánh giá giai đoạn vận hành thử nghiệm, ông Nguyễn Mạnh Tùng, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan (TCHQ) cho biết, mặc dù thời gian chính thức vận hành hệ thống VNACCS/ VCIS không còn nhiều, song về cơ bản, các công việc cần thiết đều đã được chuẩn bị khá chu đáo. Quá trình vận hành thử nghiệm cho thấy, những vướng mắc mà DN gặp phải chủ yếu do đây là một hệ thống mới nên DN chưa thực sự thuần thục về thao tác. Tuy nhiên, ngành hải quan đã chuẩn bị nhiều phương án nhằm hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn ban đầu.

Nâng cao năng lực quản lý

Những lợi ích từ việc áp dụng hệ thống VNACCS/VCIS đã rõ ràng, song một trong những vấn đề được đặt ra hiện nay là công tác chống gian lận thương mại, hạn chế tình trạng thất thu NSNN khi thủ tục hải quan được sửa đổi theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho DN. Trên thực tế, trong giai đoạn thực hiện TTHQĐT, lợi dụng thủ tục thông thoáng, một số DN đã thực hiện nhiều hình thức gian lận, gây thất thu lớn cho NSNN. Thống kê của TCHQ cho thấy, qua đánh giá việc tuân thủ pháp luật hải quan của 2.264 DN trong năm 2013, chỉ có 837 DN tuân thủ tốt, 819 DN tuân thủ chưa tốt và 608 DN tuân thủ ở mức độ trung bình. Qua thực hiện 2.327 cuộc kiểm tra sau thông quan, TCHQ đã ra quyết định ấn định và truy thu 1.613,65 tỷ đồng tiền thuế nộp NSNN. Tỷ lệ phát hiện vi phạm trên tổng số cuộc kiểm tra sau thông quan là 37%, tăng cao hơn so với mức 34% năm 2012.

Theo TCHQ, một trong những nguyên nhân khiến DN có thể lợi dụng kẽ hở pháp luật để thực hiện hành vi gian lận là do điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật của ngành dù đã được ưu tiên tối đa, song so với sự phát triển của công nghệ hiện nay vẫn chưa đáp ứng tốt vai trò giám sát, quản lý. Trang thiết bị giám sát hàng hóa lưu trong kho, bãi còn hạn chế đã gây nhiều khó khăn trong việc quản lý hàng tồn đọng tại cửa khẩu, cảng biển. Thực tế này tạo ra những kẽ hở khiến một số DN có thể lợi dụng, làm hồ sơ giả, đưa hàng hóa chưa làm thủ tục ra ngoài khu vực giám sát để buôn lậu, trốn thuế.

Hai giải pháp nhằm hạn chế thực trạng này là đẩy mạnh công tác kiểm tra sau thông quan và nâng cao năng lực quản lý rủi ro của ngành hải quan. Đến nay, TCHQ đã cập nhật được 26.181 lượt hồ sơ DN trên hệ thống nhằm tạo cơ sở quản lý mức độ tuân thủ của DN, từ đó phục vụ công tác lựa chọn DN ưu tiên, DN trọng điểm có rủi ro cao và đưa ra các dự báo chuẩn xác trong công tác nghiệp vụ khác. Từ việc thiết lập 6.701 tiêu chí phân tích, 438 tiêu chí quy định, TCHQ đã thay đổi đáng kể tỷ lệ kiểm tra theo luồng (xanh, đỏ, vàng), qua đó hạn chế bớt rủi ro với loại hình kinh doanh tạm nhập - tái xuất, tờ khai ảo, tờ khai hủy, gian lận hoàn thuế GTGT…

Đại diện TCHQ cho biết, bên cạnh việc đề xuất giải pháp bảo đảm vận hành thông suốt hệ thống thông quan hàng hóa tự động, ngành sẽ tích cực xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro. Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan sẽ là đầu mối phối hợp với Tổng cục An ninh (Bộ Công an) hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin của ngành hải quan nhằm tăng cường năng lực kiểm tra, kiểm soát chống gian lận thương mại. Những nỗ lực của toàn ngành sẽ hạn chế tình trạng gian lận thương mại, đồng thời vẫn có thể hỗ trợ đắc lực cho DN thông qua việc áp dụng phương thức thông quan hàng hóa tự động vào ngày 1-4.

Tập trung hỗ trợ 3.980 doanh nghiệp trọng điểm

TCHQ cho biết sẽ tích cực triển khai hệ thống VNACCS/VCIS trong 3 tháng (từ ngày 1-4 tới 30-6-2014). Đặc biệt, 3.980 DN chiếm 80% tổng kim ngạch XNK và tờ khai hải quan hàng năm sẽ là những đối tượng ưu tiên hàng đầu trong việc ứng dụng hệ thống VNACCS/VCIS. TCHQ đã có công văn yêu cầu hải quan các địa phương tập trung hỗ trợ những DN này hoàn thành việc tham gia vận hành hệ thống VNACCS/VCIS trước ngày 20-2-2014.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế gian lận, chống thất thu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.