Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hệ thống cảng biển TP Hồ Chí Minh: Thiếu đồng bộ, năng lực hạn chế

Hà Phạm| 19/02/2014 07:29

(HNM) - Ông Nguyễn Xuân Sang, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2013, lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển thành phố đạt hơn 75,5 triệu tấn (tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước).


Theo Ban Quản lý đầu tư dự án nạo vét luồng Soài Rạp, dù đạt tốc độ tăng trưởng như trên nhưng ngành vận tải biển thành phố vẫn bộc lộ nhiều hạn chế và nếu không được tháo gỡ sẽ trở thành lực cản đối với giai đoạn phát triển sắp tới. Cụ thể, hiện TP Hồ Chí Minh có tổng cộng 74 bến cảng lớn nhỏ, chia thành 4 khu bến cảng: Khu bến cảng trên sông Sài Gòn; bến cảng Tân cảng Cát Lái; bến cảng trên sông Nhà Bè và khu bến cảng trên sông Soài Rạp. Hiện các cảng này mới chỉ tiếp nhận được tàu có trọng tải 30.000 tấn. Các cảng đều nằm sâu trong thành phố, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông, tăng thời gian lưu kho bãi của hàng hóa. Phương tiện bốc dỡ và hệ thống kho hàng lạc hậu, năng lực hạn chế chỉ đạt khoảng từ 50% đến 60% công suất, làm hạn chế tốc độ hàng hóa thông qua cảng. Các tàu trọng tải lớn không thể cập các hệ thống cảng để bốc xếp hàng hóa do hệ thống cảng ở sâu trong khu vực cửa sông chịu ảnh hưởng phù sa bồi đắp và thủy triều. Đặc biệt, các dịch vụ liên quan cảng và vận tải biển còn thiếu hoặc chưa đồng bộ khiến hàng hóa xuất - nhập khẩu đi thị trường Tây Âu và Bắc Mỹ phải trung chuyển ở các cảng Singapore và Malaysia, làm tăng chi phí vận tải lên 20%.

Dù lượng hàng hóa liên tục tăng nhưng hệ thống cảng biển TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều hạn chế.



Ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa thành phố cho biết, dự báo đến năm 2015, lượng hàng hóa tăng vọt từ hơn 90 đến 100 triệu tấn (tăng trên 20% so với thời điểm hiện tại). Trong đó, riêng hàng container dự kiến đạt từ 4 đến 5 triệu TEU (tương đương từ 56 đến 70 triệu tấn) vào năm 2015. Đến năm 2020, dự kiến lượng hàng hóa thông qua các bến cảng thành phố đạt hơn 135 triệu tấn hàng hóa/năm; trong đó, lượng hàng hóa container dao động từ 5 đến 7 triệu TEU/năm. Hàng hóa mỗi năm một tăng mà năng lực đáp ứng cảng hạn chế sẽ kéo theo việc tàu nhận hàng cũng bị chậm, làm ảnh hưởng đến thời gian giao hàng cho các đối tác quốc tế, từ đó dẫn tới chi phí thuê tàu cũng tăng, đẩy giá thành sản phẩm lên cao, làm mất khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước mà trực tiếp là hàng hóa trong khu vực thành phố và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Để giải quyết bài toán trên, theo các chuyên gia, nếu làm đúng quy hoạch được duyệt như di dời các cảng khu vực sông Sài Gòn, sông Đồng Nai đúng tiến độ; đầu tư xây dựng cảng mới ở Hiệp Phước (huyện Nhà Bè)…, thì các cảng sẽ không xảy ra tình trạng ùn ứ, bởi khi đó gánh nặng hàng hóa thông qua thành phố được chia bớt cho những cảng mới.

Một hy vọng nữa cho việc giảm bớt gánh nặng các cảng là khi luồng Soài Rạp đi vào hoạt động năm 2014 này. Theo ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư dự án nạo vét luồng Soài Rạp, hiện dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2 - huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) đã hoàn thành nạo vét 9 triệu mét khối bùn, đất ở ngoài biển. Dự kiến vào tháng 6-2014, khoảng 1,5 triệu mét khối bùn, đất trong lòng sông sẽ được nạo vét xong và khi đó có thể tiếp nhận tàu 50.000 tấn. Tuy nhiên theo ông Minh, khi đi vào hoạt động trong năm 2014 thì ngành chức năng phải bảo đảm cho luồng Soài Rạp ổn định, duy trì độ sâu (-9,5m) và bề rộng theo đúng chuẩn được duyệt, bảo đảm cho tàu từ 30.000 đến 50.000 tấn lưu thông xuyên suốt. Đồng thời, hình thành cụm cảng khu vực thành phố trở thành cảng đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng với quốc tế, làm động lực phát triển các khu kinh tế, đô thị - công nghiệp ven biển trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam mà TP Hồ Chí Minh là hạt nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống cảng biển TP Hồ Chí Minh: Thiếu đồng bộ, năng lực hạn chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.