Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm có cơ chế huy động vốn

Nguyễn Lê| 26/02/2014 07:07

(HNM) - Năm 2014, thành phố phải bảo đảm 100% dân số đô thị được cấp nước sạch và 100% dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh. Để làm được nhiệm vụ cấp bách này, thực hiện mục tiêu mà Chính phủ đề ra, theo cơ quan chức năng, thành phố cần có cơ chế phù hợp để xã hội hóa ngành cấp nước.



Nhà máy lọc nước Thủ Đức.


Trên cơ sở nhiệm vụ, kế hoạch vừa nêu, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) phải "chạy nước rút" mới có thể theo kịp tiến độ. Cụ thể, năm 2014, Nhà máy nước Thủ Đức 3 được Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh và nước sạch Sài Gòn triển khai xây dựng dự kiến cuối năm sẽ hoàn thành, bán nước cho Sawaco, nâng tổng công suất cấp nước do Tổng Công ty Quản lý và mua lên 1.950.000m3/ngày. Cũng trong năm nay, Nhà máy nước Tân Hiệp 2 sẽ được đầu tư bởi Công ty cổ phần Đầu tư nước Tân Hiệp, công suất 300.000m3/ngày, tổng vốn đầu tư dự kiến 1.200 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015, sau đó bán sỉ cho Sawaco, nâng tổng công suất cấp nước của Tổng Công ty quản lý và mua lên 2.250.000m3/ ngày. Bên cạnh đó, để tiếp nhận và tiêu thụ hết công suất cấp nước trên, Sawaco phải đầu tư lắp đặt 93,8km đường ống cấp 1 và cấp 2 với tổng vốn đầu tư trên 2.321 tỷ đồng. Năm 2014, Sawaco mới chỉ cân đối được trên 220 tỷ đồng. Như vậy, số vốn trên 2.100 tỷ đồng buộc phải huy động từ nhiều nguồn khác nhau mới có thể thực hiện được kế hoạch này.

Để giải quyết vấn đề vốn, Sawaco đề xuất với Thường trực HĐND và UBND thành phố hỗ trợ Tổng Công ty thực hiện các dự án cấp nước. Theo đó, kiến nghị HĐND thành phố chấp thuận chủ trương ngân sách cấp vốn đầu tư phát triển mạng lưới đường ống cấp 1 (trên 1.512 tỷ đồng), đường ống cấp 3 tại các xã nông thôn mới, xây dựng mới và nâng cấp mở rộng các trạm cấp nước ngoại thành, thực hiện chương trình nước sạch nông thôn (trên 168 tỷ đồng); ngân sách cho vay không lãi để đầu tư phát triển mạng lưới đường ống cấp 2 (trên 89 tỷ đồng). Sawaco cũng kiến nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng các trạm cấp nước, đầu tư xây dựng các hồ chứa nước (trên 218 tỷ đồng). Còn Công ty Đầu tư tài chính thành phố ủng hộ cơ chế vốn đầu tư phát triển mạng cấp 3, hỗ trợ Sawaco vay vốn với lãi suất ưu đãi, thời hạn vay trên 10 năm (trên 1.422 tỷ đồng), trong đó năm 2014 vay gần 418 tỷ đồng.

Ông Trần Đình Phú, Tổng Giám đốc Sawaco cho biết, nhu cầu về nguồn vốn cho đầu tư phát triển ngành cấp nước thành phố là rất lớn nhưng hiện Tổng Công ty chỉ có thể cân đối khoảng 50%. Trong khi đó, năm 2013, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn không được ngân sách thành phố cấp vốn để thực hiện chương trình cấp nước sinh hoạt nông thôn nên kết quả đạt được còn hạn chế. Trong khi đó, việc tiếp cận các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng và ngân hàng thương mại đối với các dự án đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước cho đến nay vẫn còn là thách thức. Do đó, hơn 50% còn lại, ông Phú đề xuất thành phố có cơ chế phù hợp để huy động các nguồn vốn khác. Theo ông Phú, việc kêu gọi các nguồn vốn từ bên ngoài, tức xã hội hóa ngành cấp nước, là một hướng đi cần thiết và cấp bách để thành phố thực hiện được mục tiêu mà Chính phủ đề ra là đến năm 2025, 100% người dân thành phố (cả khu vực thành thị và nông thôn) được sử dụng nước sạch.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sớm có cơ chế huy động vốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.