Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải bài toán mặt bằng cho doanh nghiệp

Châu Anh| 07/03/2014 07:21

(HNM) - Ngoài Khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung Cầu Giấy đã hoạt động ổn định, UBND TP Hà Nội đã, đang triển khai xây dựng hai khu CNTT tập trung khác nhằm tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất cho hàng nghìn doanh nghiệp CNTT trên địa bàn.


Gia công phần mềm tại Công ty FPT Software. Ảnh: Bảo Lâm


Có một thực tế đang diễn ra tại Hà Nội là ngoài số ít doanh nghiệp (DN) lớn có trụ sở hoạt động ổn định, khang trang… có tới hàng nghìn DN CNTT nằm rải rác trên địa bàn thành phố đang phải thuê nơi làm việc, trong các khu chung cư, nhà dân. Ngay Khu CNTT tập trung Cầu Giấy chỉ có 306 DN CNTT đang hoạt động, cho thấy nhu cầu về mặt bằng của DN lĩnh vực này là rất lớn. Trong một số cuộc họp tại Sở TT-TT, đại diện các DN cũng từng bày tỏ mong muốn được thành phố tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất để ổn định kinh doanh. Trong đó ý kiến của ông Đỗ Cao Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hệ thống thông tin FPT rất đáng chú ý. Theo vị lãnh đạo này, việc các DN CNTT Hà Nội làm việc phân tán, không tập trung cũng là một nguyên nhân khiến họ thiếu sức cạnh tranh so với các DN cùng ngành nghề làm việc tại các khu CNTT tập trung trong nước khác (như Khu công viên Phần mềm Quang Trung - TP Hồ Chí Minh và Khu công viên Phần mềm Đà Nẵng) trước đối tác là khách hàng đến Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Australia, Singapore. Vì đối tác nước ngoài còn coi trọng đến môi trường, quy mô và đánh giá cao các DN làm việc trong khu CNTT tập trung.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT), ngành công nghiệp CNTT Hà Nội đóng góp ngày càng nhiều vào tăng trưởng GDP của Thủ đô với tốc độ tăng trưởng bình quân trung bình đạt 15-20%/năm, chiếm 30% doanh thu của ngành công nghiệp CNTT cả nước. Toàn thành phố có 5.000 DN có lĩnh vực hoạt động liên quan đến CNTT; trong đó có hơn 1.000 DN chuyên về phần mềm và dịch vụ, khoảng 500 DN chuyên về nội dung số, còn lại là các DN phần cứng và phân phối thiết bị CNTT. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 300 DN có số lượng lao động từ 50 người trở lên, còn lại là các DN có quy mô vừa và nhỏ.

Để tháo gỡ khó khăn cho các DN, UBND thành phố đã cho triển khai xây dựng các dự án Khu công viên Công nghệ phần mềm Hà Nội và Khu công viên CNTT Hà Nội. Cả hai dự án này đều nằm trên địa bàn quận Long Biên, có vị trí địa lý thuận tiện, cách vị trí trung tâm (tính ở vị trí Bờ Hồ Hoàn Kiếm) 5-10km, cách các vị trí giao thông quan trọng như sân bay Nội Bài khoảng 30km, cách cảng Hải Phòng khoảng 90km, cách ga Hà Nội 10km... Theo quy hoạch đã được phê duyệt, Khu công viên Công nghệ phần mềm Hà Nội do Công ty Hanel là chủ đầu tư, có diện tích 43,45ha (tương đương 434.500m2) nằm trên địa bàn phường Phúc Lợi, quận Long Biên, dự kiến cuối năm 2014 sẽ hoàn thành. Được biết, chủ đầu tư đã dành khoảng 300.000m2 là khu vực văn phòng cho thuê dành cho các DN CNTT thuộc loại hình: Phần cứng, nội dung số, dịch vụ CNTT, phần mềm, đào tạo và DN thương mại và dịch vụ (phục vụ cho đô thị). Với Khu công viên CNTT Hà Nội, dự án này nằm trên địa bàn các phường Phúc Đồng, Long Biên thuộc quận Long Biên, do Công ty CP Him Lam làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích là 38ha, dự kiến hoàn thành trong năm 2014. Dự án này cũng đã xác định dành 70% diện tích sàn cho các DN CNTT thuộc các loại hình phần cứng, nội dung số, dịch vụ CNTT, phần mềm, đào tạo và DN thương mại có nhu cầu vào thuê mặt bằng để sản xuất, kinh doanh. Ngoài hai dự án đang triển khai xây dựng kể trên, UBND thành phố cũng đã giao các sở, ngành và địa phương tìm địa điểm để hình thành Khu Công nghệ phần mềm và nội dung số trọng điểm Hà Nội có diện tích 50-100ha.

Trước mắt, sau khi hai dự án khu CNTT tập trung kể trên là Khu công viên Công nghệ phần mềm Hà Nội và Khu công viên CNTT Hà Nội hoàn thành trong năm 2014 sẽ tạo điều kiện cho nhiều DN vào thuê địa điểm sản xuất, kinh doanh. Và như vậy, có thể thấy Hà Nội đã và đang thực hiện các điều kiện thuận lợi, ưu đãi có thể để hỗ trợ cho DN CNTT có địa điểm hoạt động, phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp CNTT Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán mặt bằng cho doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.