Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp nhà nước: Không thể ôm mãi “bầu sữa mẹ”!

Hà Phong| 18/04/2014 05:59

(HNM) - Chiều 17-4, Bộ Tài chính đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.



Đây là văn bản luật đầu tiên về quản lý, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) - những đơn vị đang gánh 1,1 triệu tỷ đồng vốn nhà nước, 1,3 triệu tỷ đồng vốn vay nhà nước hiện nay. Nhưng với phạm vi điều chỉnh mở rộng và những điều khoản ưu ái cho khối này, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, nếu áp dụng có thể vi phạm nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế đã quy định trong Hiến pháp.

Cổ phần hóa những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sẽ được Nhà nước đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới. Ảnh: Thanh Hải


Mở rộng phạm vi đầu tư vốn DNNN

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, kế thừa các quy định hiện hành, Dự thảo luật bổ sung nguyên tắc mới về phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào DN, đó là Nhà nước sẽ đầu tư vốn để thực hiện điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, phục vụ an ninh quốc phòng và phải bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, tránh dàn trải, thất thoát lãng phí. Ban soạn thảo đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư vốn nhà nước vào DN thuộc các dự án, công trình quan trọng của quốc gia sau khi QH thông qua chủ trương đầu tư, đồng thời hạn chế các hình thức nhận góp vốn đầu tư của DN. Theo đó, có thể trong tương lai, DN không được nhận vốn góp đầu tư của công ty con. Đặc biệt, DN không được tham gia góp vốn mua cổ phần của các DN khác mà người quản lý, điều hành hoặc người sở hữu chính của DN này là vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của thành viên hội đồng thành viên, kiểm soát viên, ban giám đốc và kế toán trưởng DN đó.

Hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng thành viên công ty có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu đầu tư tại DN. Mọi biến động về tăng, giảm vốn chủ sở hữu, DN phải báo cáo chủ sở hữu DN và cơ quan tài chính cùng cấp để theo dõi, giám sát.

Cạnh tranh chưa bình đẳng

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu:

"Hiến pháp đã quy định các thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng. Bộ Tài chính cần xây dựng quy định, giám sát chặt chẽ việc đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại DN trên cơ sở Hiến pháp. Một vấn đề khác cần lưu ý là phải làm rõ phạm vi điều chỉnh giữa Dự thảo luật này và một số dự thảo luật khác như Dự thảo Luật Đầu tư công, Dự thảo Luật DN (sửa đổi), nhất là về vấn đề sở hữu và quản trị DN. Như hiện nay còn rất nhiều điểm chưa phù hợp.

Dù người đứng đầu Bộ Tài chính khẳng định, nếu Dự thảo luật được QH xem xét thông qua, chắc chắn sẽ không làm lãng phí nguồn vốn nhà nước và bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đồng thời không tạo ra các ưu đãi bất bình đẳng giữa DNNN với các loại hình DN khác. Song, các ủy viên UBTVQH, chuyên gia kinh tế lại có quan điểm ngược lại.

Dẫn chứng sự chưa rõ ràng trong các quy định, giải thích về phạm vi và đối tượng điều chỉnh, sự mơ hồ trong việc xác định cơ quan đại diện chủ sở hữu, nhiều ý kiến cảnh báo, nếu áp dụng sẽ phát sinh nhiều cách hiểu khác nhau. Về đại diện chủ sở hữu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển đề xuất Chính phủ, Nhà nước thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu là quá chung chung, cần làm rõ ai quyết định và chịu trách nhiệm về nhân sự, vốn, đầu tư, phân phối…

Theo Dự thảo luật, Nhà nước có thể đầu tư vốn để thành lập mới DN ở những ngành, lĩnh vực độc quyền nhà nước, dự án cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; dự án phục vụ trực tiếp quốc phòng, an ninh… Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, "Quy định như vậy quá chung chung, tôi không thể rõ thế nào là dự án không được Nhà nước đầu tư". Chủ tịch QH cho rằng, thời gian qua Việt Nam đang cố gắng cổ phần hóa, bán, khoán, cho thuê DN nhằm giảm số lượng DNNN và thực hiện đúng nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực mà các khu vực kinh tế khác không tham gia. Nhưng với quy định này, các bộ, ngành, địa phương có thể thành lập hàng loạt DNNN và chắc chắn nơi nào cũng muốn đầu tư. "Tôi đề nghị nếu có điều kiện đầu tư, tăng cường đầu tư cho y tế, giáo dục, nhất định không đầu tư vào DNNN. Tới đây, khi tái cơ cấu DNNN, ở những nơi vốn nhà nước đang chi phối 51-100% nhưng là lĩnh vực đến thời điểm ấy không cần Nhà nước hỗ trợ thì cũng cổ phần hóa hết. Ở những nơi vốn nhà nước chỉ chiếm 5-10% nhưng là lĩnh vực cần vai trò lớn hơn của Nhà nước thì phải nâng lên để chi phối - luật này phải giải quyết được câu chuyện đó". - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông đặt câu hỏi, có nhất thiết phải đầu tư vốn vào các DNNN có đủ nguồn lực không và nêu quan điểm cá nhân là không cần. "Thời gian qua Bộ KH&ĐT đã phải giải thích rất nhiều vì có quốc gia không thừa nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Tất cả vì Nhà nước vẫn "ôm" quá nhiều DNNN. DN tư nhân và DNNN không bình đẳng trong tiếp cận vốn, chính sách, tiếp cận đất đai nguồn lực" - Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu. Cũng theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, nếu quy định như Dự thảo luật, DNNN vừa làm nhiệm vụ công, vừa phải bảo đảm có lãi là nhiệm vụ bất khả thi.

Chia sẻ mối lo ngại về phạm vi thành lập DN 100% vốn Nhà nước vừa quá rộng, vừa không đầy đủ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng cho rằng, Dự thảo mới nghiêng về công tác đầu tư lại thiếu quy định bảo toàn và phát huy vốn của Nhà nước đối với DN. Trong khi đó, đang có tình trạng nhiều lĩnh vực quan trọng do DNNN giữ thị phần lớn nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Một số lĩnh vực do DNNN nắm vai trò chủ chốt nhưng hiệu quả kinh doanh thấp khiến sản phẩm và hàng hóa trong lĩnh vực này bị chi phối bởi hàng hóa nước ngoài. Cùng số tiền ấy, nếu đầu tư vào DN tư nhân thì kết quả ngược lại. "Nếu Dự thảo luật không quy định rõ chế tài quản lý vốn, nâng cao tính tự chủ, tính tự chịu trách nhiệm của DN thì khó có thể thực hiện được mục tiêu điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô trong từng giai đoạn". - Ông Phan Xuân Dũng cảnh báo.

Phải lập lại kỷ cương ngân sách

(HNM) - Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012; việc ban hành Nghị định về hoạt động kinh doanh casino. Dù nêu quan điểm đồng tình với kết quả quyết toán NSNN năm 2012 Bộ Tài chính đưa ra, song theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển - đại diện cơ quan thẩm tra, về thu ngân sách năm 2012, do chưa tính đủ số tiền hoàn thuế nên thực chất, thu NSNN năm 2012 không đạt được dự toán như QH quyết định, nguồn thu chưa ổn định, vững chắc. Đối với chi ngân sách, chi thường xuyên vẫn còn tình trạng lãng phí, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích, làm giảm hiệu quả sử dụng NSNN. Đơn cử, thu ngân sách chỉ tăng 1,9%, tương đương 14.072 tỷ đồng thì chi quản lý hành chính tại hầu hết các địa phương đều vượt dự toán, tăng 12,5%, tương đương 9.924 tỷ đồng. 24/34 địa phương được kiểm toán sử dụng nguồn cải cách tiền lương để chi thường xuyên, chi một số nhiệm vụ khác chưa đúng quy định 1.409 tỷ đồng. 20/34 tỉnh được kiểm toán có chi quản lý hành chính vượt trên 30%.

Hồ Bách
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp nhà nước: Không thể ôm mãi “bầu sữa mẹ”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.