Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính

Hà Tuấn| 30/07/2014 06:31

(HNM) - Cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh hiện vẫn ráo riết thanh - kiểm tra và xử lý vi phạm đối với cơ sở sản xuất và cửa hàng kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng.

Mũ bảo hiểm kém chất lượng vẫn bày bán tràn lan trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.


Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) Thủ Đức đã xử phạt cửa hàng kinh doanh MBH Phương Bắc (967 Kha Vạn Cân, phường Linh Tây, quận Thủ Đức) do có 20 MBH không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước đó, Đội QLTT Tân Phú lập biên bản xử lý vi phạm cửa hàng kinh doanh MBH tại số 58 đường Hiền Vương (quận Tân Phú) bởi nơi đây đang có 40 MBH các loại không nhãn hiệu, không nguồn gốc, xuất xứ và không có hóa đơn chứng từ. Tương tự, tại cửa hàng kinh doanh MBH Nón Xinh (số 11 Trần Não, phường Bình An, quận 2), Đội QLTT 2B tiến hành kiểm tra và phát hiện 15 MBH không nhãn hiệu, không tem, có xuất xứ Trung Quốc.

Theo thống kê của Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh, trong tháng 7 các đội QLTT thành phố kiểm tra 46 vụ kinh doanh MBH. Trong đó, có 33 vụ buôn bán, sản xuất MBH Trung Quốc nhập lậu, tạm giữ 923 cái. Bên cạnh đó, 1 vụ kinh doanh 118 MBH không gắn dấu hợp quy; 1 vụ kinh doanh 50 MBH nhập khẩu không có nhãn phụ tiếng Việt; 1 vụ kinh doanh 5 MBH có nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc; 2 vụ không niêm yết giá; 1 vụ không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT thành phố cho biết, qua kiểm tra cho thấy các vi phạm phổ biến ở việc cơ sở kinh doanh trái phép, sản phẩm đưa ra thị trường sử dụng tem nhãn giả mạo, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ. Các cửa hàng kinh doanh vi phạm đều được Chi cục QLTT thống kê chi tiết và phối hợp cùng các đơn vị chức năng xử lý. Nhưng khi PV đặt câu hỏi "Liệu Chi cục QLTT thành phố đã công khai đầy đủ tên và địa chỉ cửa hàng vi phạm trên phương tiện truyền thông đại chúng?" thì ông Phan Hoàn Kiếm cho hay, trong số cửa hàng kinh doanh MBH vi phạm có một số cửa hàng không công khai được. Bởi, cửa hàng đó còn bán những mặt hàng khác nên nếu công khai rõ ràng sẽ ảnh hưởng uy tín lẫn công việc kinh doanh của cửa hàng (?).

Đưa vấn đề phải công khai cơ sở sản xuất lẫn kinh doanh MBH lên báo, đài để người dân tránh và loại trừ các sản phẩm kém chất lượng, đa phần mọi người đều đồng tình. "Việc công khai này đáng ra phải làm từ lâu chứ không phải đợi đến bây giờ. Các cơ quan chức năng cần minh bạch vấn đề này để triệt tiêu những cơ sở sản xuất và kinh doanh MBH rởm, đem lại sự an tâm cho người dân mỗi khi ra đường", chị Phạm Thị Vân (ngụ đường Nguyễn Thị Định, quận 2) nói.

Còn các doanh nghiệp sản xuất MBH uy tín trên địa bàn thành phố thì cho rằng, việc công khai sẽ bảo đảm công bằng và minh bạch giữa các doanh nghiệp. Điều này vừa giúp không gây thiệt hại về mặt kinh doanh vừa không làm mất uy tín cho chính sản phẩm (trong trường hợp bị làm giả, làm nhái sản phẩm) của doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Trao đổi với Báo Hànộimới, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, việc công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng sẽ giúp cho người dân nhận biết và tránh mua phải hàng rởm; đồng thời, giúp cho các cửa hàng kinh doanh MBH tránh nhập và bán những sản phẩm này; qua đó, lấy lại uy tín cho các doanh nghiệp sản xuất MBH chân chính, đặc biệt giúp cho cơ quan nhà nước dễ kiểm soát và quản lý chặt chẽ. "Đây được xem là cái gốc của vấn đề kiểm soát MBH kém chất lượng nhằm triệt tiêu triệt để những sản phẩm này trên thị trường", ông Hùng nói. Trước đó, từ ngày 7-7-2014 Ủy ban ATGT quốc gia đã có công văn số 120/CV-UBATGTQG về việc công bố các loại MBH đạt chuẩn, trong đó đề nghị bộ, ngành chức năng phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những cơ sở vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.