Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đã thực sự quyết liệt?

Gia Bảo| 17/09/2014 06:52

(HNM) - Việc công khai cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm (MBH) kém chất lượng được xác định là giải pháp triệt tận gốc vi phạm. Có những nơi như tỉnh Vĩnh Long, TP Hà Nội công khai không đầy đủ theo yêu cầu nhưng tại TP Hồ Chí Minh, ngành chức năng còn đang loay hoay.


Nợ lời hứa

Từ cuối tháng 7-2014, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa miền Nam phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng, Chi cục Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra chất lượng MBH lưu thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Theo kết quả tổng số kiểm tra là 9 cơ sở, với 68 mẫu. Trong 8 mẫu MBH được đưa đi thử nghiệm thì phát hiện có 3/8 mẫu không đạt chất lượng theo QCVN 2: 2008/BKHCN. Cơ quan chức năng đã công bố tạm dừng việc lưu thông trên thị trường nhiều mẫu MBH không đạt chất lượng.

Mũ bảo hiểm kém chất lượng vẫn được bày bán tràn lan nhưng không thấy đơn vị nào xử lý.



Danh sách các mẫu MBH bị tạm dừng lưu thông ở TP Hồ Chí Minh
MBH nhãn hiệu FIFA, MH: F1, loại che nửa đầu có kính chắn gió không đạt chuẩn phát hiện tại hộ kinh doanh Hiền Lan (số 235 Nguyễn Oanh, phường 17, quận Gò Vấp); MBH nhãn hiệu VT MART.VN, BH: HNT 04, loại che nửa đầu, có kính chắn gió phát hiện tại hộ kinh doanh Nguyễn Ngọc Dũng (số 180 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 21, quận Bình Thạnh); MBH Araya, MH: HH666 K-D, loại che nửa đầu, có kính chắn gió (kính âm) phát hiện tại hộ kinh doanh Trần Quốc Toản (số 138 Nơ Trang Long, phường 14, quận Bình Thạnh).

Phó chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam Phạm Hữu Cát cho biết, với các mẫu vi phạm trên, Chi cục yêu cầu các chủ hộ kinh doanh có trách nhiệm liên hệ với người sản xuất hoặc nhập khẩu để thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục, sửa chữa trong thời hạn 7 ngày. Số lượng hàng hóa nêu trên chỉ được phép tiếp tục lưu thông nếu đã thực hiện hành động khắc phục đạt yêu cầu, đồng thời báo cáo với cơ quan kiểm tra kèm theo bằng chứng khắc phục và được cơ quan kiểm tra ra thông báo hàng hóa tiếp tục lưu thông trên thị trường.

Cũng theo ông Cát, khi tạm dừng lưu thông số lô hàng trên, Chi cục đã chuyển công văn và hồ sơ vi phạm cho Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh xử lý tiếp theo quy định của Thông tư 26/2012/TT-BKHCN của Bộ Khoa học - Công nghệ ban hành. Bởi Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam không có chức năng xử phạt và cũng chỉ dừng lại việc kiểm tra sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường. Còn việc xác định cụ thể cơ sở sản xuất thuộc về Chi cục Quản lý thị trường và Chi cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng TP Hồ Chí Minh. "Hiện Chi cục Quản lý thị trường thành phố vẫn chưa có phản hồi về mẫu vi phạm thuộc cơ sở nào sản xuất", ông Cát nói.

Nếu theo lời ông Cát thì việc Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam đã chuyển hồ sơ sau ngày 28-7. Tuy nhiên, hôm qua 16-9, trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh vẫn… hứa sẽ rà soát lại hồ sơ của Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam gửi và sẽ phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng thành phố xác định các mẫu vi phạm thuộc cơ sở nào sản xuất...

Mũ kém chất lượng bày bán công khai


Với thực tế trên, dư luận đặt câu hỏi, phải chăng việc cơ quan chức năng chưa quyết tâm xử tận gốc vi phạm, đã giúp cho MBH kém chất lượng vẫn còn "đất sống", khi ở ngay TP Hồ Chí Minh nhưng MBH kém chất lượng, giả mạo, nhái... vẫn tràn lan. Cụ thể, khu vực Công viên Phú Lâm (quận 6) có hàng chục sạp hàng lưu động vẫn bày bán đủ loại MBH không nhãn mác với giá 30.000 đến 80.000 đồng. Thậm chí, các loại mũ không phải MBH (được gọi là mũ thời trang, mũ thể thao...) được bày bán lẫn lộn với loại MBH với giá dao động chỉ 30.000 đến 50.000 đồng/chiếc. Không riêng quận vùng ven, ngay tại khu vực trung tâm thành phố như đường Nguyễn Trãi (quận 5) việc buôn bán MBH không hợp chuẩn cũng diễn ra công khai. Đặc biệt, nhiều loại MBH có dấu hợp quy CR nhưng khi phóng viên lần theo đến địa chỉ thì đều là cơ sở sản xuất "ma".

Theo thừa nhận của Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, tình hình bày bán MBH kém chất lượng vẫn còn trên vỉa hè vào buổi chiều tối, ngoài giờ hành chính. Việc sản xuất, kinh doanh MBH giả, kém chất lượng vẫn còn diễn biến phức tạp. Thậm chí, việc sản xuất MBH giả, kém chất lượng được thực hiện song song ngay trong cơ sở sản xuất có đăng ký kinh doanh và công bố chất lượng. Theo đó, thủ đoạn được các đối tượng sử dụng là chỉ cần công bố hợp quy một vài mẫu nhưng khi sản xuất ra thì kèm theo các mẫu chưa công bố hợp quy nhưng gắn dấu hợp quy của sản phẩm đã công bố.

Theo Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, hiện nay xuất hiện tình trạng sản xuất MBH ở một số cơ sở chỉ sản xuất một vài bộ phận để làm ra MBH bán ra trên thị trường, các đối tượng sản xuất hàng giả kém chất lượng chỉ việc mua linh kiện về lắp ráp mang đi tiêu thụ, vì vậy công tác kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đã thực sự quyết liệt?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.