Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đông La - “thủ phủ” lan rừng

Sơn Tùng| 21/09/2014 06:57

(HNM) - Từ lâu, Đông La (Hoài Đức) đã được mệnh danh là

Trên con đường vào xã Đông La có đến hàng chục tấm biển ghi danh vườn lan mỗi vườn mang một dáng vẻ. Chưa rõ doanh thu của các ông chủ bà chủ ở đây bao nhiêu mỗi năm nhưng chỉ nhìn những con ngõ bê tông, những ngôi nhà mái bằng kiểu dáng tân thời đồ sộ đủ thấy sự sung túc nơi đây. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Đức tự hào nói: Nông dân ở đây giàu hơn giám đốc, cán bộ nhiều. Những vườn lan có tiếng thu từ 500 triệu đồng đến cả tỷ đồng/năm, ít cũng vài trăm triệu đồng. Nghề này không nặng nhọc chân tay nhưng đòi hỏi sự tỉ mẩn, am hiểu kỹ thuật và ở một góc độ khác đó còn là một thú chơi tao nhã đòi hỏi tình yêu với hoa lá cỏ cây.

Chăm sóc hoa lan tại xã Đông La (huyện Hoài Đức).



Nghề trồng lan bén duyên và cho thành quả như hôm nay trên đất Đông La cũng hết sức tình cờ. Từ hơn 20 năm trước, nhiều thanh niên trong làng đi làm ăn xa ở vùng núi phía Bắc, mỗi dịp Tết đến họ thường mang theo những giỏ lan rừng về làm quà. Dần dà có nhà có tới cả vài chục giò lan, chăm sóc, mày mò, nhiều khi có khách đến chơi thấy đẹp, nài nỉ chủ nhà mua lại với giá cả triệu đồng… Vốn nhanh nhạy với thị trường, nhiều người dân Đông La đã chuyển nghề, đi buôn lan rừng và trồng tại nhà. Phong trào trồng lan rừng ngày càng phát triển và ngày càng có nhiều tỷ phú trên vùng đất ven Đáy này…

Đến thăm vườn lan Trường Uyên của vợ chồng anh Hoàng Ngọc Trường, chị Trần Thị Uyên, ông chủ vườn cho biết: Trồng hoa lan không quá khó, chỉ cần chú ý đến 3 yếu tố: độ ẩm, ánh sáng và độ thông thoáng. Năm 1989, tình cờ anh Trường được tiếp xúc với những nhánh lan rừng của một gia đình giàu có trong làng và đam mê từ đó. Rồi anh lên rừng tìm kiếm, khai thác lan rừng về bán ở nội thành Hà Nội. Tiền lãi thu được hơn nhiều những công việc khác song anh nhận thấy mô hình trồng lan rất phù hợp với điều kiện ở nông thôn và thế là chuyển sang trồng lan. Sau hai năm đầu khó khăn, vất vả, do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật, nhiều loại lan rừng bị chết, anh đã thành công. Đến nay, tổng diện tích mô hình trồng lan của anh lên tới trên 2.000m2, vườn có vài trăm loài lan rừng như đái châu, quế lan hương, tam bảo sắc, lan đuôi cáo, lan đuôi sóc... cho doanh thu khoảng 3 tỷ đồng/năm, trừ chi phí lãi gần tỷ đồng.

Hiện tại, xã Đông La đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, là điều kiện thuận lợi để người nông dân mở rộng diện tích trồng lan và làm giàu ngay trên đồng đất của mình. Hiện nay xã có gần 100 hộ trồng lan trong đó nhiều nhất phải kể tới thôn Đồng Nhân có tới 40 hộ trồng lan với quy mô lớn. Anh Nguyễn Đăng Lĩnh, Chủ nhiệm HTX Hoa lan cây cảnh Đồng Nhân có 4 anh em thì tất cả đều làm nghề này, người nào cũng thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Năm 2013, thành phố hỗ trợ cho HTX xây dựng mô hình hoa lan ghép cấy mô với số lượng 52.000 cây, trị giá hơn 1 tỷ đồng, tạo thêm điều kiện cho nghề trồng lan ở Đông La phát triển. Và điều đáng quý là những người trồng hoa ở đây đã liên kết, tương trợ, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật, thị trường, vốn… để cùng nhau phát triển. Từ nghề trồng lan, Đông La đang từng ngày giàu, đẹp hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đông La - “thủ phủ” lan rừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.