Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ba tháng áp dụng các giải pháp bình ổn giá sữa: Còn nhiều sai phạm

Hương Ly| 04/10/2014 07:07

(HNM) - 538 sản phẩm sữa được công bố giá tối đa và giá đăng ký, với tỷ lệ giảm 0,3%-34% là kết quả đáng ghi nhận sau hơn 3 tháng Bộ Tài chính áp dụng các giải pháp bình ổn giá sữa.



Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của Sở Tài chính các tỉnh, thành phố về việc thực hiện các quy định quản lý giá với mặt hàng sữa bột cho thấy nhiều đơn vị vẫn bán sữa vượt quá mức giá quy định, thậm chí kinh doanh sản phẩm sữa đã hết hạn sử dụng.

Người tiêu dùng chọn mua sữa tại phố Hàng Buồm. Ảnh: Phương Thanh


Giá bán vẫn cao hơn giá đăng ký

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, sau hơn 3 tháng thực hiện các giải pháp bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, cơ quan quản lý đã công bố giá tối đa và giá đăng ký của 538 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trong đó, 152 sản phẩm do Bộ Tài chính công bố, 386 sản phẩm do Sở Tài chính các tỉnh, thành phố công bố. Mức giá bán lẻ sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trên thị trường đã giảm so với mức giá bán trước khi nhà nước công bố biện pháp bình ổn giá với tỷ lệ giảm 0,3%-34%.

Bộ Tài chính cũng đã triển khai 2 đoàn kiểm tra tại một số tỉnh, thành phố như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh để rà soát việc thực hiện các quy định về kê khai, đăng ký giá với mặt hàng sữa bột. Kết quả kiểm tra cho thấy, nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện nghiêm quy định về triển khai biện pháp bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Tài chính các địa phương, một số tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng sữa đăng ký giá chưa đầy đủ theo quy định. Tại một số điểm được kiểm tra, giá bán thực tế cao hơn giá đăng ký. Một số điểm không niêm yết giá hoặc niêm yết chưa đầy đủ. Có nơi còn kinh doanh sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã hết hạn sử dụng, nhãn hàng hóa bị tẩy xóa… Với các lỗi vi phạm trên, đoàn kiểm tra liên ngành các tỉnh, thành phố đã yêu cầu đơn vị chấn chỉnh và giao cho Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra và xử lý nếu tiếp tục vi phạm. Riêng các tổ chức, cá nhân bán sữa bột cao hơn giá đăng ký, đoàn kiểm tra đã xử phạt với tổng số tiền gần 62 triệu đồng.

Tại hội thảo về "Sữa và các sản phẩm sữa - Thông tin và tiếp cận thông tin về thị trường, chất lượng, giá cả" do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, đại diện VINASTAS đã công bố kết quả khảo sát giá bán lẻ sữa ở 11 tỉnh, thành phố, gồm Bắc Giang, Quảng Ninh, Tiền Giang, Bến Tre, Đắk Lắk, Hà Nam, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Ninh, Quảng Nam, Bắc Kạn. Qua khảo sát đã phát hiện 2 sản phẩm sữa (trong tổng số 25 sản phẩm sữa được Bộ Tài chính áp giá trần) có giá bán lẻ cao hơn so với quy định của Bộ Tài chính. Theo VINASTAS, giá bán sữa bột đang dần đi vào ổn định, song trên thị trường hiện nay có nhiều nhà cung cấp với nhiều chủng loại sữa khác nhau và với giá cả khác nhau. Nhưng, việc công bố những thông tin giúp người tiêu dùng có thể đưa ra quyết định đúng đắn lại chưa được công bố, cập nhật kịp thời. Sự liên kết thông tin giữa các cơ quan quản lý mặt hàng sữa bột trên thực tế vẫn chưa thật sự chặt chẽ khiến sai phạm trong lĩnh vực quản lý giá sữa vẫn xuất hiện và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Lập lại trật tự thị trường sữa bột

Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), sau khi Bộ Tài chính áp trần giá sữa với 25 mặt hàng và tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá sữa tại các địa phương bước đầu ổn định. Song, việc kiểm tra việc thực hiện các quy định về giá sữa cũng mới dừng lại ở một số địa bàn. Sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các chi cục quản lý thị trường và lực lượng chức năng khác có lúc chưa kịp thời, còn nặng về hành chính. Trong khi đó, diễn biến thị trường sữa bột lại ngày càng phức tạp. Để khắc phục, các địa phương phải tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn kịp thời việc các đại lý, siêu thị không tuân thủ theo giá bán đã đăng ký. Bên cạnh đó, cần lưu ý phát hiện các thủ đoạn mới, tìm ra quy luật hoạt động của các đối tượng này để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền pháp luật và kịp thời cung cấp thông tin cho người tiêu dùng để họ biết và lựa chọn những nơi có giá bán sữa đúng quy định.

Từ kết quả đã đạt được sau hơn 3 tháng áp dụng biện pháp bình ổn giá sữa bột, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát việc thực hiện công tác bình ổn giá sữa tại các địa phương trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan như hải quan, thuế, cơ quan quản lý giá tại địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc xác định giá tối đa, đăng ký giá, thực hiện niêm yết giá và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế rà soát, bổ sung danh mục sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi làm căn cứ thực hiện bình ổn giá… Đây là những việc làm thiết thực nhằm lập lại trật tự trên thị trường sữa bột, qua đó giúp người tiêu dùng có thể mua sữa với mức giá hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba tháng áp dụng các giải pháp bình ổn giá sữa: Còn nhiều sai phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.