Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bắt đầu từ điểm nghẽn tiền tệ

Việt Nga| 22/10/2014 06:07

(HNM) - Bàn về các giải pháp thực hiện nhiệm vụ KTXH năm 2015, các ĐB thẳng thắn chỉ ra những vấn đề và kiến nghị Chính phủ cần tập trung giải quyết, đặc biệt là chính sách tiền tệ.



Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện các giải pháp để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm trật tự an toàn xã hội… Bàn về các giải pháp thực hiện nhiệm vụ KTXH năm 2015, các ĐB cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề và kiến nghị Chính phủ cần tập trung giải quyết, đặc biệt là chính sách tiền tệ.

Ngân hàng cần giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp có cơ hội vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Ngọc Châu


Cứu ngân hàng hơn cứu nền kinh tế?

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều hành để đạt được những chỉ tiêu cơ bản mà QH đề ra, song một số ĐB cho rằng, nguyên nhân khiến kinh tế tăng trưởng chậm chính là do việc thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng. Các ĐB Phạm Huy Hùng, Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Bùi Thị An, Trịnh Thế Khiết, Đào Văn Bình (Đoàn Hà Nội) đều đề cập đến vấn đề này. Cụ thể là tình trạng số doanh nghiệp (DN) phá sản tiếp tục nhiều hơn DN mới thành lập. Đáng chú ý trong số này, không chỉ có DN nhỏ và vừa mà còn có cả những DN quy mô lớn. DN sản xuất kinh doanh cũng không tiếp cận được vốn vay ngân hàng vì lãi suất cao và theo như ĐB Đào Văn Bình ngoài ra có không ít DN không có nhu cầu vay vốn ngân hàng, sản xuất cầm chừng… Thậm chí, ngay cả gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, việc giải ngân cũng rất chậm.

ĐB Phạm Huy Hùng thẳng thắn chỉ rõ, nguyên nhân bắt nguồn từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ chỉ để "giữ" cho ngân hàng mà không hướng đến nền kinh tế. ĐB Hùng dẫn chứng cụ thể, 4 ngân hàng thương mại nhà nước có thể cho vay với mức giá tốt nhưng cũng chưa dám hạ lãi suất vì vốn điều lệ của các ngân hàng này không lớn (90-95% là vốn huy động). Do vậy, có thể hiểu, việc giảm lãi suất còn phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại cổ phần!? Các ý kiến ĐB cũng phản ánh, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay nhưng lãi suất vẫn rất cao so với mặt bằng (có ngân hàng thương mại cho vay trung và dài hạn ở mức cao 11-12%). Cùng quan điểm này, ĐB Trần Du Lịch (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng chỉ ra một trong hai điểm nghẽn của nền kinh tế là: DN khát vốn sợ ngân hàng không cho vay, nếu vay thì sợ chịu lãi suất cao (lãi suất trung hạn 11-12%), DN chịu không nổi.

Đáng chú ý, theo phân tích của các ĐB, nếu lãi suất cao, DN không vay được vốn hoặc sợ không muốn vay vốn dẫn đến không đầu tư vào sản xuất, DN "chết"… và những hậu quả này lại "đổ" về ngân hàng, thêm nguy cơ nợ xấu. Với xã hội, DN phá sản sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động, tiếp đó là sức mua trên thị trường giảm, hàng hóa sản xuất ra bị tồn đọng… và từ đó có thể nảy sinh những vấn đề xã hội phức tạp khác. Vì vậy, ĐB Phạm Huy Hùng (Đoàn Hà Nội) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần giảm lãi suất cho vay còn 6-7% thì DN mới có cơ hội phát triển. ĐB Đặng Thành Tâm (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng kiến nghị, lãi suất cho vay nên bằng với mức tăng GDP. Còn theo ĐB Trần Du Lịch (Đoàn TP Hồ Chí Minh), Ngân hàng Nhà nước phải giảm chiết khấu xuống để ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất.

Tiếp tục tái cấu trúc

Ngoài chính sách tiền tệ, các ĐB cũng đề nghị, năm 2015, Chính phủ cần tiếp tục việc tái cấu trúc nền kinh tế. Trước hết là đẩy mạnh cổ phần hóa (CPH) DN nhà nước để thu hút đầu tư từ các nguồn lực xã hội, qua thị trường chứng khoán… Bên cạnh đó, thực hiện CPH còn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khối DN nhà nước. Theo các ĐB, kết quả thực hiện CPH năm 2014 chậm hơn nhiều so với dự kiến (theo báo cáo, năm 2014 dự kiến CPH hơn 400 DN nhưng mới thực hiện được 74 DN nhà nước). Nhiều ĐB cũng nhấn mạnh giải pháp thực hiện tái cấu trúc ngân hàng thương mại gắn với xử lý nợ xấu. Cụ thể, theo ĐB Phạm Huy Hùng, Ngân hàng Nhà nước phải mạnh tay xử lý, dừng hoạt động các ngân hàng thương mại yếu kém, đồng thời quan tâm xử lý nợ xấu, sở hữu chéo, vốn ảo, tài sản ảo tại các ngân hàng thương mại.

Cũng liên quan đến vấn đề tái cấu trúc khối ngân hàng thương mại, các ĐB đề nghị phải xử lý dứt điểm nợ xấu. ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh, nợ xấu là chuyện bình thường của hoạt động ngân hàng, nhưng phải xử lý nhanh nhất, không để thành "di căn". Nhưng, với những gì hiện nay thì dường như nợ xấu chỉ đang là chuyện của ngân hàng, để tự ngân hàng giải quyết… Do vậy, các ĐB kiến nghị Chính phủ phải xử lý vấn đề nợ xấu mới có thể khơi thông được một số lĩnh vực trong đó có thị trường bất động sản.

Bên cạnh đề cập việc thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, các ĐB cũng nhấn mạnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng để tạo điều kiện cho DN tư nhân được tiếp cận vốn thuận lợi, bình đẳng.

ĐB Nguyễn Đức Chung (Đoàn Hà Nội):
Ngăn chặn buôn lậu, doanh nghiệp mới phục hồi

Về công tác phòng chống tội phạm, đặc biệt tội phạm gian lận thương mại và buôn lậu, Chính phủ cần thay đổi một số chính sách liên quan đến lĩnh vực này thì mới có thể phòng, chống hiệu quả. Ví dụ: Người dân ở vùng biên được đi chợ mua hàng ở biên giới với giá trị 2 triệu đồng, hoặc có những loại dưới 5 triệu đồng. Từ đây, hình thành nên những công ty ở vùng biên (ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai…) chuyên đi mua thu gom hàng hóa, sau đó giải quyết hợp thức hóa giấy tờ, chứng từ rồi chuyển về Hà Nội, đi các tỉnh. Hàng buôn lậu có thể "bóp chết" hàng trong nước. Vừa qua, Công an TP Hà Nội kiểm tra một đoàn xe, phát hiện có xe chở 60 tấn hàng đều là nguyên liệu sản xuất thuốc đông y, hàng đông dược Trung Quốc. Do vậy, cần phải có biện pháp kiểm soát tốt để giúp doanh nghiệp trong nước phục hồi, hàng hóa trong nước mới đứng vững được.

ĐB Bùi Thị An (Đoàn Hà Nội):
Cần quan tâm tiêu thụ nông sản

Ngoài các chỉ tiêu cơ bản đạt được mà báo cáo kinh tế - xã hội đã nêu, tôi thấy cần nhấn mạnh một số vấn đề. Ví dụ như, việc tái định cư của người dân vùng thủy điện (Hòa Bình, Sơn La) sau nhiều năm vẫn chưa bảo đảm được yêu cầu nơi ở tốt hơn, có công ăn việc làm, chất lượng sống cao hơn. Việc đầu tư cho nông thôn bước đầu đạt kết quả, nâng cao trình độ công nghệ của sản phẩm nông nghiệp bắt đầu được quan tâm, nhưng đời sống nông dân còn nhiều điều phải bàn, chưa có ai lo đầu vào, đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp. Vì vậy, năm 2015, tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục tập trung tái cơ cấu, cải cách hành chính, hỗ trợ sản xuất, đặc biệt là tập trung cho giáo dục. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh đầu tư cho khoa học, công nghệ để phát triển bền vững, nhất là trong nông nghiệp.

Châu Anh lược ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắt đầu từ điểm nghẽn tiền tệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.