Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá dầu thô giảm: Mừng ít, lo nhiều

Hương Ly| 06/12/2014 07:48

(HNM) - Theo Bộ Tài chính, giá dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh từ 105 USD/thùng (thời điểm cuối tháng 7-2014) xuống 68,53 USD/thùng (thời điểm cuối tháng 11), mức thấp nhất trong vòng 4-5 năm trở lại đây, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu NSNN.


Giá dầu giảm và những hệ lụy

Giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục giảm mạnh từ tháng 7 tới nay. Theo Hãng thông tin tài chính Bloomberg, tính đến đầu tháng 12, trên thị trường Châu Á, giá dầu tiếp tục giảm 1,1 USD/thùng, tương đương 1,66%, xuống mức 65,05 USD/thùng. Chuỗi ngày giảm giá kéo dài của mặt hàng này đã tạo ra những tác động tiêu cực tới nhiều nền kinh tế trên thế giới. Bởi tính từ đầu năm tới nay giá dầu thô đã giảm 37%. Với mức giảm này, những nước xuất khẩu dầu đều bị thiệt hại rất lớn. Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nước xuất khẩu dầu số 1 thế giới là Nga chỉ có thể cân đối được ngân sách khi giá dầu ở mức 101 USD/thùng. Iran là nước chịu tác động lớn thứ hai và cần giá dầu ở mức 136 USD/thùng. Venezuela và Nigeria chỉ cân đối được NSNN với mức 120 USD/ thùng.


Giá dầu tiếp tục giảm sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước năm 2014. Ảnh: Thanh Hải



Trong khi đó, Saudi Arabia, Kuwait, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất có thể cân đối khi giá dầu ở mức 70 USD/thùng. Đối với Việt Nam, mặc dù Bộ Tài chính vừa công bố, tổng thu NSNN đã đạt 100,9% sau 11 tháng, "về đích" trước thời hạn, nhưng thông tin giá dầu giảm mạnh đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại về việc nguồn thu NSNN sẽ bị ảnh hưởng. Do giá dầu giảm mạnh, giá bán lẻ xăng trong nước đã 9 lần giảm giá, với mức giảm tổng cộng hơn 5.000 đồng. Giá dầu diesel, dầu hỏa và dầu madut cũng giảm 9-14 lần từ đầu năm tới nay và trở về mặt bằng giá năm 2012. Mặc dù giá xăng giảm sẽ giảm bớt gánh nặng cho người dân, song số thu ngân sách năm 2015 và các hoạt động đầu tư sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ sự kiện này. Bởi hoạt động xuất khẩu dầu thô hiện chiếm hơn 12,5% tổng thu NSNN nên nếu giá xăng dầu giảm thì số thu ngân sách sẽ giảm. Bên cạnh đó, giá xăng dầu giảm cũng sẽ khiến nhiều khoản thuế, phí, lệ phí khác liên quan đến xăng dầu bị giảm theo. Mặc dù lợi nhuận của DN sẽ tăng nhờ giá dầu giảm khiến chi phí đầu vào của DN giảm theo, từ đó khiến số thu từ thuế thu nhập DN vào NSNN sẽ nhiều hơn. Song khoản tăng thu này vẫn không bù đắp nổi khoản hụt thu do xăng dầu giảm.

Theo Bộ Tài chính, nếu giá dầu bình quân cả năm giảm 1 USD/ thùng, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Trường hợp giá dầu giảm còn trên dưới 80 USD/thùng, NSNN sẽ giảm khoảng 20.000 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện nay, giá dầu thô bình quân 11 tháng đầu năm đạt 109 USD/thùng. Như vậy, giá dầu thô chỉ giảm 1 USD/thùng nên số thu ngân sách từ dầu thô sẽ giảm khoảng 1.000 tỷ đồng so với dự toán. Song việc cân đối NSNN khi giá dầu tiếp tục giảm mạnh là bài toán không đơn giản trong bối cảnh hiện nay.

Không nên quá bi quan

Nhận xét về tác động của giá dầu giảm mạnh tới nguồn thu NSNN, chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, sự kiện này sẽ tạo ra cả tác động tích cực và tiêu cực tới nền kinh tế. Vì nước ta nhập khẩu một lượng lớn xăng dầu, chất dẻo, sợi tổng hợp, phân bón, thuốc sâu... vốn là những sản phẩm được sản xuất từ dầu lửa. Nếu giá dầu lửa giảm thì giá trị nhập khẩu sẽ giảm. Cùng với đó, nước ta cũng giảm một lượng đáng kể ngoại tệ sử dụng để nhập khẩu nguyên liệu. Đây sẽ là khoản lợi đáng kể. Giá dầu giảm cũng dẫn tới chi phí vận tải trong nước sẽ giảm, hàng hóa trong nước giảm giá theo. Kinh tế vĩ mô nhờ đó sẽ ổn định và rất có thể lạm phát sẽ được kiềm chế. Để tận dụng thời cơ này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, DN cần chuyển hướng thị trường để được hưởng lợi nhiều hơn từ những biến động của nền kinh tế. Với tình hình hiện nay, Nhà nước nên khuyến khích DN nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, thành lập những DN mới để tận dụng hiệu quả cơ hội giá dầu giảm, nguyên vật liệu giảm. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc giá xăng dầu thế giới giảm đã tác động tích cực đến kinh tế nước ta do Việt Nam là quốc gia chịu áp lực lớn về lạm phát và chi phí vận tải rất lớn. Hiện trong rổ tính CPI, giá xăng dầu chiếm vị trí quan trọng, ảnh hưởng mạnh đến sự tăng, giảm của chỉ số. CPI tháng 11 giảm mạnh là do tác động của việc giảm giá xăng dầu.

Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc giá dầu giảm nhưng tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 11 vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi diễn biến giá dầu thô. Nếu giá dầu thô tiếp tục xu hướng giảm và giữ ở mức thấp thì Bộ Tài chính sẽ xây dựng các kịch bản để trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội. Bộ Tài chính đã đưa ra các phương án bù đắp cho khoản hụt thu do giảm giá dầu thô và có thể yên tâm với phương án này. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với những mỏ có giá thành khai thác cao thì tạm thời chưa khai thác. Thời điểm hiện tại, chỉ tập trung khai thác ở những mỏ có thể mang lại lợi nhuận. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, có phương án tính toán các nguồn thu ngân sách, bảo đảm không để xảy ra tình trạng hụt thu ngân sách khi giá dầu giảm mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá dầu thô giảm: Mừng ít, lo nhiều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.