Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nhập - ngọt và đắng!

Minh Bắc| 20/12/2014 07:22

(HNMO) - Thực tế, đối với Việt Nam, hội nhập kinh tế đã đem lại hạnh phúc to lớn cho đất nước. Nhưng hội nhập không chỉ đưa lại vị ngọt mà còn có thể cả vị đắng nếu không có một nhận thức đúng đắn…


Trong các cuộc hội thảo bàn về hội nhập quốc tế các nhà kinh tế thường cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế khi tham gia hội nhập, đó là nguồn nhân lực trẻ trung, dồi dào, dân số lớn đứng thứ 14 trên thế giới, giàu tài nguyên thô, mạnh về nông nghiệp, thủy hải sản… Quá trình hội nhập đã tạo ra các Khu công nghiệp, Khu chế xuất… nơi đã thu hút nhiều lao động nông thôn, tạo thế cho ngành công nghiệp phù trợ phát triển. Ngay tại Hà Nội hiện có gần 20 khu công nghiệp, khu chế xuất được phê duyệt nhưng chỉ mới 8 khu công nghiệp - chế xuất đi vào hoạt động, thu hút hàng trăm dự án đầu tư với trên 136 nghìn lao động. Trong đó có gần 300 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký trên 4,7 tỷ USD.

Theo báo cáo từ Thành phố Hà Nội hiện các khu công nghiệp kể trên đã tạo ra 60% giá trị sản xuất công nghiệp và 40% giá trị xuất khẩu toàn thành phố. Hội nhập đã tạo ra cơ cấu công nghiệp chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo tăng. Chúng ta cũng biết rằng các sản phẩm của Samsung “Made in Việt Nam”, đã biến Việt Nam trở thành một địa chỉ xuất khẩu điện thoại cầm tay khắp thế giới và chipset CPU Haswell “made in Việt Nam” của Tập đoàn Intel Việt Nam đang từng bước được cung cấp khắp toàn cầu. Hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam đã xóa nhòa đi hình ảnh "con trâu đi trước, cái cày theo sau, con người đi sau rốt" từ bao nhiêu năm nay.

Nếu tính từ năm 1986, thì Việt Nam cũng đã trải qua gần 30 năm mở cửa, hội nhập để phát triển kinh tế. Sự hội nhập càng ngày càng sâu rộng và càng ngày càng tiến lên một version (thế hệ) cao hơn. Nói theo cách của nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan thì version1 chủ yếu là hàng hóa, version2 là dịch vụ, version3 là đầu tư và version4 liên quan đến xã hội, đến sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp… Đây là version cao hơn buộc chúng ta cũng phải có những cam kết cao, nhiều hơn trước.

Và cuối năm 2015, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đi vào hoạt động, rồi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEF)… thì người ta thường nói tới cơ hội thuận lợi. Tuy nhiên, hội nhập sẽ cho chúng ta những cơ hội làm giàu đất nước và ngược lại cũng dễ dàng cho ta nếm ngay vị đắng của sự thua thiệt nếu chúng ta không có nhận thức đúng đắn về hội nhập.

Sẽ không có chuyện Win-Win, cả hai cùng thắng nếu chúng ta thiếu chuẩn bị, thiếu tâm thế đi lên. Một dẫn chứng, giá dầu thô giảm mạnh đang đẩy các nước xuất khẩu dầu thời hội nhập nếm cay đắng của dầu, mà ngay Việt Nam các chuyên gia kinh tế cũng đã cảnh báo sự ảnh hưởng này. Lợi thế tăng trưởng xuất khẩu nhờ tài nguyên sẽ không bền vững dễ dẫn đến tình trạng bị tổn thương bởi các cú sốc từ bên ngoài như sự biến động của giá cả trên thị trường hay sự xuất hiện của các rào cản thương mại mới do nước ngoài áp đặt. Hơn nữa, chẳng lẽ chúng ta cứ khai thác mãi tài nguyên rồi mang bán hết ra nước ngoài không dành của cải lại cho con cháu? Nhiều mặt hàng của Việt Nam như khoảng sản, nông lâm thủy sản của Việt Nam chủ yếu vẫn là xuất thô, ví dụ như 90-95% cao su xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô.

Lợi thế về nguồn lao động cũng vậy, nhờ hội nhập một số lao động Việt Nam có chất lượng sẽ chuyển dịch sang các nước khác có mức lương cao hơn và môi trường sống tốt hơn. Trong khi đó, lao động phổ thông ở một số nước có chất lượng tốt hơn Việt Nam về kỷ luật, trách nhiệm công việc… sẽ dễ tìm việc làm và gây nạn thất nghiệp cho lao động Việt Nam trên sân nhà.

Lợi thế về dân số cũng vậy, khi đó các nhà đầu tư nước ngoài sẽ coi Việt Nam là một thị trường lớn. Nêu AEC vận hành với thuế suất nhập khẩu vào Việt Nam bằng 0% , thì một lượng hàng hóa lớn của các nước trong ASEAN sẽ tràn vào các đại siêu thị Metro, Parkson... Lúc đó, không chỉ hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mà cả hàng nông sản của Việt Nam cũng bị đe dọa nghiêm trọng. Tương tự ngành chăn nuôi cũng sẽ có nguy cơ nếm vị đắng bởi hàng đông lạnh, gà, bò vừa sạch vừa rẻ sẽ từ các nước lân cận tràn vào. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã nhập 51.000 con bò từ Úc, con số không hề nhỏ. Câu chuyện xuất khẩu chípset CPU Haswell “made in Việt Nam” cũng rất đáng bàn vì chúng ta chỉ mới làm gia công chứ chưa gia tăng giá trị cho các sản phẩm này. Và đó chính là vị đắng “có tiếng mà không có miếng”.

Để hội nhập thành công và không phải nếm vị đắng, Việt Nam cần nhanh chóng tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng, phân bổ lại lại các nguồn lực cho thật hiệu quả. Đối với Hà Nội, Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 của thành phố Hà Nội cũng đã đề cập đến nhiều vấn đề cần giải quyết trong năm 2015 liên quan đến công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Và chỉ có như vậy mới nếm được vị ngọt của lợi thế hội nhập.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội nhập - ngọt và đắng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.