Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hết “thuốc chữa” nạn hàng gian, hàng giả tràn ngập thị trường

Hà Tuấn| 27/01/2015 17:22

(HNMO) - Ngày 27-1, tại TP Hồ Chí Minh, Tạp chí Người Làm Báo phối hợp cùng Hội Nhà báo Việt Nam, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm: “Hàng gian, hàng giả - thách thức của sự phát triển bền vững”.

Theo các đại biểu, tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng hiện tràn ngập trên thị trường và không thể kiểm soát nổi. Trong khi, cơ quan chức năng liên quan lại không phối hợp chặt chẽ nên dẫn tới việc quản lý chồng chéo, lỏng lẻo và không hiệu quả, còn các biện pháp xử phạt hành chính lại không đủ sức răn đe khiến cho tình trạng này ngày càng phức tạp.

Tại buổi tọa đàm.


Có mặt mọi ngóc ngách

Nhà báo Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước luôn mang nổi lo thường trực là vấn nạn hàng gian, hàng giả và kém chất lượng. Các mặt hàng này đang tấn công cả ngày lẫn đêm và cơ quan quản lý chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu để loại trừ. Hàng giả, hàng nhái được sản xuất trong nước và cả ở nước ngoài rồi tuồn vào Việt Nam do những đường dây, ổ nhóm hoạt động sản xuất có tổ chức và mang tính xuyên quốc gia thực hiện.

“Có thể nói rằng, các mặt hàng này đang như sóng ngầm cuộn chảy và có thể gây chìm nhiều doanh nghiệp, nhiều thương hiệu tên tuổi bằng những thủ đoạn hết sức tinh vi”, nhà báo Phạm Quốc Toàn nhận định.

Cũng theo các đại biểu, TP Hồ Chí Minh là trung tâm sản xuất hàng hóa lớn nhất cả nước nhưng thành phố cũng là nơi chứa trữ, bày bán các loại hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… mà không có địa phương nào sánh được.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Báo Hànộimới đã đưa ra ví dụ cụ thể với việc đã đăng loạt bài phản ánh tình trạng mũ bảo hiểm kém chất lượng trong thời gian vừa qua. Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm có tên tuổi và thương hiệu trên thị trường (chủ yếu tập trung tại TP Hồ Chí Minh) cũng vi phạm hàng loạt, kiểm tra đâu thấy vi phạm đó. Nhiều doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm dù bị rút giấy phép nhưng vẫn ngang nhiên sản xuất và hiện "sống" rất khỏe trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Cũng theo đại diện Báo Hànộimới, dù thực trạng như vậy nhưng cơ quan chức năng lại chưa có biện pháp hiệu quả và chưa thực sự vào cuộc quyết liệt. Các trung tâm chứng nhận hợp quy vẫn không thể rút giấy chứng nhận; thậm chí Báo Hànộimới đã đưa hồ sơ lẫn tài liệu vi phạm đó cho trung tâm chứng nhận phù hợp tại TP Hồ Chí Minh nhưng đến nay lãnh đạo trung tâm này vẫn không rút giấy chứng nhận hợp quy được bất cứ một doanh nghiệp vi phạm nào. 

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Trước vấn đề Báo Hànộimới nêu, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh chỉ ra nguyên nhân, một bất cập lớn nhất hiện nay là đa số các vụ vi phạm chất lượng hàng hóa hiện nay đều chỉ bị xử lý hành chính với số tiền nhỏ so với lợi nhuận, khiến cho các đơn vị này nhờn luật.

Cũng theo luật sư Hậu, do hệ thống pháp luật của nước ta vẫn chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, khung pháp lý chưa vững chắc, đặc biệt do cơ chế xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe; năng lực của cơ quan quan lý trong việc phát hiện và xử lý hành vi kinh doanh, sản xuất hàng nhái, hàng giả còn nhiều hạn chế; việc phối hợp thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ và bị chồng chéo nhau nên chưa tạo được sức mạnh tổng hợp trong cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Luật sư Hậu cũng cho rằng người tiêu dùng và nhà sản xuất, kinh doanh chân chính cần phải tự bảo vệ và trang bị đầy đủ kiến thức lẫn ý thức cao để triệt tiêu các mặt hàng này. Thế nhưng, biện pháp mang tính đột phá và có thể đẩy lùi tình trạng trên là việc xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm trên. Tuỳ theo số lượng hàng giả, tính chất, mức độ phạm tội mà người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt thấp nhất là từ 6 tháng đến 5 năm và tối đa từ 7 đến 15 năm. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm bị tịch thu tang vật vi phạm, phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng giả; đình chỉ hoạt động một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm từ 12 tháng đến 24 tháng. Cùng với đó, bị buộc tiêu hủy tang vật vi phạm, buộc nộp lại nguồn thu bất hợp pháp; buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng nên quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị để xảy ra tình trạng sản xuất hàng giả. Theo đó, lãnh đạo địa phương, đơn vị phải bị xem xét xử lý kỷ luật do yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ trong công tác quản lý nhà nước. 

Theo ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng cần xây dựng quỹ để thưởng và khuyến khích cho những người dân hay đơn vị sản xuất, kinh doanh nào đó có đóng góp điển hình cho việc chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng như tố giác đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nêu trên và cùng phối hợp với cơ quan chức năng đấu tranh quyết liệt với vấn nạn nhức nhối này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hết “thuốc chữa” nạn hàng gian, hàng giả tràn ngập thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.