Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Không áp đặt mệnh lệnh hành chính!”

Tuấn Lương| 30/03/2015 06:45

(HNM) - Là bến xe (BX) xã hội hóa đầu tiên của Hà Nội nhưng đến thời điểm này, BX Nước ngầm lại đang hoạt động rất khó khăn, lượng xe vào bến mới đạt gần một nửa công suất.

Vừa qua, tại hội nghị nhằm tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho BX Nước ngầm, lãnh đạo bến này cho rằng lâm vào tình trạng trên có lỗi từ Sở GT-VT Hà Nội đã làm trái ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), thậm chí cơ quan nhà nước đã không công bằng với BX của tư nhân.

Bến xe Nước ngầm (Hà Nội).


Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội.

- Thưa ông, lãnh đạo BX Nước ngầm cho rằng Sở GT-VT Hà Nội đã làm trái ý kiến chỉ đạo của các cơ quan cấp trên gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Đây là ý kiến không có cơ sở. Từ năm 2007, Sở đã thực hiện nghiêm nội dung của Tổng cục ĐBVN về việc tạm ngừng các tuyến từ BX Giáp Bát đi các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh để chuyển sang BX Nước ngầm. Giai đoạn đó, thẩm quyền cấp phép do Tổng cục ĐBVN tiếp nhận, thẩm định và ban hành văn bản khai thác các tuyến có cự ly hơn 1.000km. Sở chỉ tiếp nhận và chấp thuận các tuyến có cự ly dưới 1.000km. Các tuyến do hai Sở GT-VT đồng quản lý thì DN chỉ cần đăng ký với Sở GT-VT nơi DN đặt trụ sở hoặc trụ sở chi nhánh. Như vậy, không thể nói Sở làm sai. Giai đoạn đó, Sở cũng đã hướng các DN vận tải mới đăng ký tham gia khai thác trên các tuyến vào BX Nước ngầm hoạt động để tăng tần suất khai thác; tổ chức, sắp xếp đưa các tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh vào hoạt động ổn định tại BX Nước ngầm và tổ chức thêm các tuyến buýt vào bến này nhằm thuận lợi cho việc trung chuyển khách giữa các bến…

- Còn ý kiến cho rằng Sở GT-VT Hà Nội làm trái ý kiến của Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối với BX Nước ngầm là như thế nào thưa ông?

- Vào tháng 7-2013, do BX Mỹ Đình có biểu hiện quá tải, Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Sở GT-VT Hà Nội tổ chức sắp xếp khoa học, hợp lý các tuyến theo hướng: Các tuyến xe theo hướng quốc lộ (QL) 1, QL 1B đi vào BX Gia Lâm; các tuyến đi theo hướng đường Hồ Chí Minh, QL 6 vào BX Yên Nghĩa; các tuyến đi theo hướng QL 32 đi vào BX Mỹ Đình; các tuyến phía Nam đi theo hướng QL 1, Pháp Vân - Cầu Giẽ đi vào BX Giáp Bát và Nước ngầm. Thực hiện chỉ đạo này, Sở đã điều chuyển hàng loạt tuyến hoạt động không hiệu quả về các BX trên địa bàn. Ngoài ra, Sở đã lên kế hoạch điều chuyển 525 phương tiện thuộc 59 đơn vị vận tải trên các tuyến đi các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… từ BX Mỹ Đình về các BX khác. Tuy nhiên, kế hoạch này đã gặp phải sự phản ứng từ các địa phương, các đơn vị vận tải vì cho rằng chưa phù hợp với nhu cầu đi lại của nhân dân. Trước tình hình đó, ngày 15-8-2013, UBND TP Hà Nội và Bộ GT-VT đã họp và nhận định, tình hình trật tự, ATGT tại BX Mỹ Đình đã có nhiều chuyển biến tích cực; giao các cơ quan chức năng hoàn thiện phương án điều chỉnh hoạt động của các tuyến vận tải khách liên tỉnh trên địa bàn và đẩy nhanh tiến độ dự án mở rộng BX Mỹ Đình; xây dựng, phê duyệt và công bố quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh. Như vậy, Sở GT-VT Hà Nội khẳng định đã nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP Hà Nội và Bộ GT-VT. Không có chuyện Sở ưu ái các BX của Nhà nước hơn so với BX tư nhân.

- Lãnh đạo BX này đã nhiều lần đề nghị Sở GT-VT Hà Nội bố trí thêm một số tuyến đón và trả khách tại bến nhưng đến nay chưa được giải quyết. Ông có lý giải vấn đề này?

- Trong khi chờ quy hoạch chính thức được phê duyệt để làm cơ sở triển khai, trước mắt, để giải quyết khó khăn theo đề nghị của BX Nước ngầm, ngày 19-3, Sở đã tổ chức mời các DN, HTX kinh doanh vận tải khách liên tỉnh bằng xe ô tô, đại diện các Sở GT-VT, Hiệp hội vận tải các tỉnh phía Nam, Tây Nam cùng họp. Tuy nhiên, tại cuộc họp này, nhiều ý kiến Hiệp hội vận tải các địa phương và DN đều khẳng định đang hoạt động ổn định luồng tuyến và đề nghị giữ nguyên. Một số ý kiến cũng cho rằng mức thuế, phí… của BX Nước ngầm còn cao nên không hấp dẫn DN tham gia. Trước tình hình đó, Sở đã yêu cầu các Hiệp hội, DN vận tải vận động các nhà xe, các cổ đông nếu có nhu cầu mở thêm tuyến mới thì hướng vào đăng ký khai thác tại BX Nước ngầm. Cùng với đó, BX Nước ngầm phải tiếp thu ý kiến của DN vận tải, có kế hoạch điều chỉnh các mức phí dịch vụ ra vào bến; định kỳ tổ chức các hội nghị khách hàng và các chương trình khuyến mãi để thu hút các DN, HTX đăng ký khai thác vào bến. Chúng tôi nhấn mạnh quan điểm là không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính lên các DN. Trong khi chờ Bộ GT-VT phê duyệt quy hoạch chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh trên địa bàn, Sở cũng đã kiến nghị Bộ GT-VT và UBND TP Hà Nội cho phép giữ nguyên các tuyến đang hoạt động, tránh làm xáo trộn, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và gây ảnh hưởng tới hoạt động của số đông DN, HTX vận tải.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Không áp đặt mệnh lệnh hành chính!”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.