Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loại bỏ cơ chế "xin - cho"

Kính Lúp| 26/06/2015 06:29

(HNM) - Năm 2015 là năm đầu tiên Bộ GT-VT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các địa phương lập quy hoạch chi tiết các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh.


Liên quan đến vấn đề này, đại diện Vụ Vận tải (Bộ GT-VT) cho rằng, cả nước hiện có 6.378 tuyến vận tải hành khách cố định, trong đó có khoảng 60% là các tuyến có cự ly dưới 300km, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn.

Thực tế cho thấy lĩnh vực này đang tồn tại nhiều bất cập. Tình trạng trùng tuyến dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Một số tuyến đang xảy ra tình trạng cung vượt cầu, từ đó xuất hiện các hiện tượng bảo kê, làm ăn chộp giật. Cũng vì chưa có quy hoạch nên việc trao đổi thông tin giữa các Sở GT-VT địa phương chưa bảo đảm, gây khó khăn trong công tác quản lý cũng như phiền hà cho doanh nghiệp vận tải…

Một số chuyên gia nhận định, lâu nay chúng ta thực hiện quản lý tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh theo cơ chế thị trường. Có nghĩa là để đơn vị kinh doanh vận tải tự nghiên cứu thị trường. Ở đâu có nhu cầu vận tải thì đề xuất các Sở GT-VT địa phương xem xét chấp thuận, hoặc đề nghị lên Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận. Điều này khiến cho vai trò của cơ quan quản lý nhà nước rất mờ nhạt.

Chính vì vậy, việc Bộ GT-VT yêu cầu lập quy hoạch chi tiết luồng tuyến được xem là một bước đột phá để tạo sự minh bạch, bình đẳng giữa các doanh nghiệp vận tải và hạn chế tối đa tình trạng "xin - cho" khi cấp phép tham gia tuyến. Khi đã có quy hoạch và quy hoạch được công bố công khai, các doanh nghiệp sẽ phải làm ăn nghiêm túc hơn nhằm phục vụ hành khách tốt hơn.

Với các tuyến có lưu lượng cao, Nhà nước có thể xem xét cho đấu thầu để tìm được doanh nghiệp cung ứng dịch vụ tốt nhất. Tất nhiên, để đưa thị trường vận tải khách liên tỉnh còn đang khá phức tạp như hiện nay vào khuôn khổ sẽ rất khó khăn và còn nhiều việc phải làm. Nhưng, hãy bắt đầu bằng việc xác lập một quy hoạch chuẩn - đó cũng là sự thể hiện vai trò quản lý của Nhà nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Loại bỏ cơ chế "xin - cho"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.