Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vay Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỷ đồng: Cần công khai, minh bạch

Thanh Hương| 05/08/2015 13:45

(HNMO) - Việc Bộ Tài chính đề xuất vay Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỷ đồng đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc vay tạm thời này là bình thường nhưng gói vay cần được công khai, minh bạch.


-Thưa ông, ông nghĩ gì khi Bộ Tài chính (BTC) vừa đề xuất vay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 30.000 tỷ đồng?

-Thường thiếu thì mới đi vay. Điều này cũng dễ hiểu khi mà BTC có công cụ chính sách tài khóa gồm thuế và phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, năm nay 2 việc này đều gặp trở ngại. Giá dầu giảm sâu, nhiều doanh nghiệp thua lỗ, doanh nghiệp và cá nhân trốn thuế, buôn lậu qua biên giới đã ảnh hưởng đến nguồn thu. Về trái phiếu, từ đầu năm đến nay, nhiều phiên phát hành trái phiếu Chính phủ không đạt yêu cầu. Trong khi đó chi phí quốc gia ngày càng tăng nên BTC không còn cách nào là phải vay NHNN.

Việc vay này là được cho phép, không chỉ ở Việt Nam mà nước ngoài cũng vậy. Tuy nhiên, tại các nước tiên tiến, có nền kinh tế ổn định, ít khi BTC vay Ngân hàng Trung ương, họ có công cụ tài khóa là thu thuế, phát hành trái phiếu, vay từ nước ngoài, bất đắt dĩ họ mới phải vay  từ Ngân hàng Trung ương.

Việc BTC vay NHNN lần này sẽ tạo ra tiền đề cứ khi nào BTC thiếu tiền lại vay NHNN. Đây là điều cần quan tâm, đặc biệt 2 định chế tài chính chủ chốt của quốc gia là BTC và NHNN cần xem xét, cẩn trọng trong việc vay và cho vay.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu


Ngân sách tạm thời thiếu hụt khoản chi nào đó, có thể vay tạm từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả NHNN là chuyện bình thường. Đến thời điểm này, NHNN chưa có quyết định cuối cùng về đề xuất trên. Tuy nhiên, nếu NHNN đồng ý cho vay, số tiền vay đó phải là vay ngắn hạn, lâu nhất là 12 tháng, không thể là vay trung-trung dài hạn vì vay trung-dài hạn áp lực trả nợ không lớn, và từ đó nợ sẽ chồng nợ. Nếu áp lực trả nợ lớn sẽ khiến Chính phủ siết lại kỷ luật tài chính.

Điều cần lưu ý là thông tin về món vay này phải được công khai, minh bạch. Cụ thể là điều kiện vay, lãi suất cho vay, thời hạn trả nợ, phương thức trả nợ. Đặc biệt, BTC phải cho biết lấy nguồn tiền từ đâu để trả nợ khoản vay này. Nguồn trả nợ là rất quan trọng vì nếu đi vay nợ để trả nợ thì chỉ là hình thức đảo nợ.

-Theo ông, nếu NHNN “gật đầu”, khoản cho vay này có ảnh hưởng đến chính sách điều hành tiền tệ của NHNN?

-30.000 tỷ so với cung tiền không phải là số tiền lớn, chỉ chiếm chưa đầy 1% cung tiền hiện tại của nền kinh tế, cũng như chiếm chưa đến 1% GDP, có nghĩa nếu có tác động cũng không tác động quá mạnh đến cung tiền và chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, nó có thể làm lạm phát gia tăng, vì số tiền này nếu được sử dụng để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có ích cho xã hộ sẽ làm tăng GDP, sản phẩm đó có giá trị, giá trị đó cân bằng với cung tiền tăng lên từ 30.000 tỷ thì sẽ không ảnh hưởng đến lạm phát, nhưng số tiền này tạo nên sản phẩm, dịch vụ có giá trị thấp hơn lượng tiền đẩy ra ngoài lưu thông thì sẽ làm tăng lạm pháp. Ngoài ra, trong trường hợp xấu nhất, số tiền đi vay không sử dụng cho sản xuất kinh doanh mà chỉ để trả chi phí công, để đảo nợ sẽ ảnh hưởng đến lạm phát.

-Ngân sách Nhà nước đang khó khăn trong khi một số địa phương vẫn chi quá mạnh, gần đây lại có địa phương đề xuất xây tượng đài đến hơn 1.000 tỷ đồng, việc xây dựng như vậy có cần thiết trong bối cảnh ngân sách eo hẹp? Làm gì để cân bằng bền vững ngân sách quốc gia, thưa ông?


-
Đúng là việc chi ở một số địa phương đang rất lãng phí, nhiều trụ sở chính quyền địa phương được xây hoành tráng trong khi không cần thiết, nhiều công trình được xây nhưng không sử dụng, rất lãng phí.

Để cân bằng ngân sách, có 2 vế là thu và chi, nếu không vay NHNN thì phải giảm chi. Tất cả chi phí công, đầu tư công phải giảm, đặc biệt là chi phí mang tính lãng phí, tức là phải cơ cấu lại chi, cũng cần giảm thiểu tham nhũng. Nếu giảm chi tốt có thể không cần vay NHNN, tuy nhiên thời điểm này BTC có lẽ vẫn phải vay.

-Ngân hàng Thế giới mới đây đưa ra cảnh báo về nợ công tại Việt Nam, ông nghĩ sao về việc này, nợ công của Việt Nam đã rất đáng lo ngại chưa?

-Nói là rất đáng lo ngại thì chưa nhưng nợ công của Việt Nam đã ở ngưỡng cảnh báo. Ngân sách Nhà nước khó khăn, phải vay NHNN, vì thế không biết việc giải quyết vấn đề nợ công những năm tới sẽ như thế nào. Chính phủ đưa ra kế hoạch sẽ giảm nợ công nhưng chưa có lộ trình cụ thể như mỗi năm giảm bao nhiêu, những khoản nào giảm, giảm nợ của Chính phủ, nợ nước ngoài, trong nước hay nợ của công ty có vốn của nhà nước,giảm bằng cách nào... Lẽ ra, tất cả điều đó cần đưa ra chương trình cụ thể.

-Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vay Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỷ đồng: Cần công khai, minh bạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.