Theo dõi Báo Hànộimới trên

Áp lực giảm thu ngân sách từ TPP chỉ bắt đầu từ năm 2018

Hương Ly| 10/11/2015 06:40

(HNM) - Chiều 9-11, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về những cam kết tại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là thành viên.


Đại diện Bộ Tài chính cho biết, với những thỏa thuận đã đàm phán, các nước cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu khoảng 78-95% số dòng thuế dành cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5-10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình trên 10 năm. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, hoặc sau 3-5 năm như nông sản, thủy sản, một số mặt hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su… Trong đó, Hoa Kỳ sẽ xóa bỏ ngay 55,4% số dòng thuế nông nghiệp ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, mật ong, cà phê, chè, hạt tiêu, điều, rau quả đều được xóa bỏ thuế ngay...

Một đối tác kinh tế quan trọng khác là Nhật Bản cũng cam kết xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với 86% số dòng thuế và vào năm thứ 11 xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với khoảng 95,6% số dòng thuế.

Chiều hướng ngược lại, Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế trong TPP cho các quốc gia thành viên. Trong đó, 65,8% số dòng thuế sẽ có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí xung quanh những tác động của TPP, đại diện Bộ Tài chính cho biết, dự kiến thời điểm Hiệp định này chính thức có hiệu lực sẽ vào năm 2018. Mặc dù TPP với những cam kết cắt giảm thuế mạnh mẽ sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN), song sự tác động đan xen sẽ giúp nguồn thu tăng ở khu vực này và giảm ở khu vực khác. Tuy nhiên, áp lực giảm thu NSNN sẽ rõ rệt từ năm 2018. Để bảo đảm cân đối nguồn thu, Bộ Tài chính phấn đấu đưa số thu nội địa đạt tỷ trọng 70% tổng thu NSNN và đến cuối năm nay con số này dự kiến đạt 74%.

Đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều từ TPP. Song, việc giá cả hàng hóa sau khi TPP có hiệu lực có giảm mạnh hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bởi thuế suất chỉ là một trong những yếu tố cấu thành nên giá hàng hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áp lực giảm thu ngân sách từ TPP chỉ bắt đầu từ năm 2018

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.