Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ chế khoán làm méo mó thị trường

Tuấn Lương| 23/02/2016 06:46

(HNM) -

Xăng dầu đã nhiều lần giảm giá nhưng cước taxi vẫn không chịu giảm. Ảnh: Dương Linh


Lập hiệp hội để "làm vì"?

Nêu lý do chậm giảm giá cước trong khi giá xăng dầu giảm xuống mức tương đương như năm 2009, ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội taxi TP Hồ Chí Minh cho biết: "Từ trước tết Nguyên đán 2016, các hãng taxi đã giảm giá, với mức giảm thấp nhất 300-500 đồng/km. Không chỉ giảm giá mà tăng giá chúng tôi cũng không muốn, vì mỗi lần điều chỉnh rất tốn kém". Cũng theo ông Tạ Long Hỷ, gần như các hãng phải "nhìn nhau" về giá cước vì không DN nào một mình một giá để bị tẩy chay. Ngoài ra, còn nhiều loại chi phí khác, như Hãng Vinasun mỗi năm chi trên 3 tỷ đồng tiền thuế; phí bảo hiểm xã hội 1,5 tỷ đồng/tháng; kiểm định kỹ thuật 340.000 đồng/xe/lượt... đều tác động đến giá cước taxi.

Thứ trưởng phụ trách Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường:
Hai bộ đều có trách nhiệm

Giá xăng dầu đã giảm sâu, nhiều DN đã kê khai giảm giá nhưng chưa như kỳ vọng của người dân. Bộ GT-VT và Bộ Tài chính có trách nhiệm trong vấn đề này, trong đó có việc quản lý chưa tốt như: Việc kê khai giá thủ tục còn phức tạp, điều chỉnh đồng hồ taximet mất nhiều thời gian, chi phí... cần khắc phục ngay trong thời gian tới, bằng cách điều chỉnh các quy định khi xây dựng thông tư mới thay thế Thông tư 152 hiện nay.


Thêm nữa, quy trình, thủ tục kê khai, niêm yết giá cước quá phức tạp, trong khi giá nhiên liệu luôn biến động, khiến giá cước chậm giảm theo giá xăng. Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh khẳng định: "Cái dở nhất của các DN taxi là cơ chế khoán cho lái xe. Vì cơ chế đó nên giá xăng giảm thì lái xe hưởng lợi, giá xăng tăng thì họ đình công. Để phục vụ người dân tốt hơn, DN phải thay đổi phương thức quản lý nhằm giảm chi phí".

Trong khi đó, vai trò của các hiệp hội vận tải, hiệp hội taxi địa phương còn yếu hoặc thiếu sự phối hợp. Hiệp hội là đại diện của DN, nói tiếng nói của DN nhưng đồng thời phải có những chỉ đạo, định hướng DN. Thế nhưng đã có lúc, gần như hiệp hội phải "xin" các DN vận tải giảm giá cước. Tuy nhiên, giảm hay không lại tùy vào quyết định của DN khiến cho thị trường méo mó càng thêm méo mó.

Sớm sửa đổi cơ chế quản lý

Doanh nghiệp taxi không thể một mình một giá. Ảnh: Thái Hiền


Cũng theo ông Nguyễn Văn Thanh, việc kê khai giá của các DN rất phức tạp, do vậy, nên chăng, giao việc cài đặt lại đồng hồ tính cước cho DN, Nhà nước lo công tác hậu kiểm, vừa đỡ tốn kém chi phí, vừa rút ngắn thời gian cho DN. Mỗi khi xăng dầu giảm 10%, DN phải kê khai giảm cước, thủ tục có thể đơn giản qua email, không cần phải hồ sơ, con dấu. Cùng với đó, Nhà nước cần có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm minh các DN vi phạm về giá, không thể "trên bảo dưới không nghe".

Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Đình Thọ cho biết, từ thực tế đi kiểm tra cơ sở cho thấy, để DN lấy được chấp thuận về giá từ cơ quan quản lý không đơn giản. Vì thế, trước hết cần công khai minh bạch, giảm thủ tục, giảm chi phí cho DN. Về vấn đề này, Thứ trưởng phụ trách Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh: Minh bạch giá cước là trách nhiệm và văn hóa của DN, phải được tính toán trên cơ sở khoa học. Bộ GT-VT yêu cầu, ngay sau cuộc họp này, các hiệp hội phải tính toán giảm giá cước vận tải.

Trong tháng 2-2016, phải công khai việc giảm giá cước vận tải ở các thành phố trên địa bàn cả nước. Các sở GT-VT có hướng dẫn trên địa bàn mình quản lý, trong việc kê khai giá cước giảm phù hợp với giá xăng dầu. Bộ GT-VT đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành quy trình để triển khai việc kê khai giảm giá cước vận tải một cách đơn giản nhất không để mất nhiều thời gian, thủ tục… như hiện nay.

Ông Phạm Minh Thụy (Viện Kinh tế Tài chính, Bộ Tài chính): 
Không giảm cước là vô lý

DN vận tải sẽ chỉ tự giảm giá khi có môi trường cạnh tranh đúng nghĩa. Việc các hãng taxi giảm giá nhỏ giọt sau khi giá xăng giảm mạnh là điều vô lý, chưa kể thời gian bắt người tiêu dùng chờ khá lâu. Vì vậy, cơ quan quản lý cần có biện pháp cứng rắn, kiểm soát gắt gao hơn vấn đề tài chính của các hãng kinh doanh vận tải, taxi. Nếu phát hiện lợi nhuận bất thường mà DN không giải trình được thì xử phạt thật nặng mới đủ sức răn đe.

22 doanh nghiệp taxi kê khai giảm 200-500 đồng/km

(HNM) - Theo Sở Tài chính Hà Nội, tính từ đầu tháng 2-2016 đến nay, đã có 22 DN taxi kê khai giảm giá cước. Tuy nhiên, mức giảm chỉ từ 200 đến 500 đồng/km. Cụ thể: Công ty cổ phần Mai Linh giảm 200-400 đồng/km (khoảng 2-3%); Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Thành Công, Công ty cổ phần Thanh Nga giảm 500 đồng/km… Các hãng taxi như: Taxi Group, Ba Sao… vẫn "án binh bất động" chưa giảm giá. 

Trước đó, tính đến ngày 28-1-2016, Sở Tài chính đã nhận hồ sơ kê khai giá cước của 51 DN kinh doanh vận tải bằng ô tô, trong đó 10 DN taxi kê khai giảm giá cước. 25 DN kê khai lại giá cước nhưng vẫn giữ nguyên giá liền kề trước đó. Trong tháng 1-2016, Sở Tài chính đã kiểm tra 6 DN vận tải và xử phạt vi phạm hành chính 4 DN, với tổng số tiền 160 triệu đồng. Trong tuần này, liên ngành sẽ kiểm tra một số DN không giảm giá cước hoặc giảm giá chưa tương xứng với mức giảm của giá xăng dầu, trong đó có một số DN taxi lớn.

Khánh Ly

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ chế khoán làm méo mó thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.