Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tồn đọng 22 tỷ USD vốn vay ODA: "Cõng nợ" về... để không

Hương Ly| 24/05/2016 06:23

(HNM) - Theo thống kê của Bộ Tài chính, 22 tỷ USD là khoản vốn vay ODA mà Việt Nam đã ký kết nhưng chưa được giải ngân.

Cầu cạn đoạn qua bán đảo Linh Đàm là dự án sử dụng vốn ODA có tiến độ thi công và giải ngân bảo đảm yêu cầu. Ảnh: Mạnh Hùng


Chậm giải ngân, ngân sách nặng khoản nợ

Báo cáo của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho thấy, 5 năm qua Việt Nam đã giải ngân được 27,8 tỷ USD vốn vay ODA, gấp 3,5 lần giai đoạn 2001-2005. Lãi suất vay ODA là khoảng 1,7%/năm, kỳ hạn trung bình là 12,3%/năm. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2015, vốn ODA đã ký nhưng chưa giải ngân hiện còn khoảng 22 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam vẫn phải trả phí 0,33%/năm.

Ngành Giao thông - Vận tải được đánh giá là đơn vị có mức giải ngân ODA cao, đạt hơn 80% kế hoạch trong năm 2015, nhưng vẫn còn nhiều dự án lớn chưa đạt yêu cầu, như: Dự án đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội - tuyến số 1, dự án xây dựng cầu cạn - đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, dự án phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ... Tại Hải Phòng, một số dự án có vốn đăng ký hàng trăm tỷ đồng/năm, nhưng giá trị giải ngân chỉ đạt khoảng 30%, thậm chí chưa tới 10% số vốn đăng ký.

Nhận xét về tiến độ giải ngân vốn ODA "rùa bò", TS Bùi Ngọc Sơn, Viện Nghiên cứu chính trị thế giới cho rằng, nếu không giải ngân kịp sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế, mà trước mắt là gia tăng nợ quốc gia. Vì thế, điều quan trọng là phải cân nhắc, xem xét các dự án ODA thật sự cần thiết thì mới cho vay vốn đầu tư, chứ không nên nhận viện trợ vay vốn ưu đãi tràn lan.

Đặc biệt, theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, đến tháng 7-2017 Việt Nam sẽ không còn được vay vốn ODA khi các đối tác chuyển sang các nguồn ưu đãi thấp hơn và tiến tới cho vay theo điều kiện thị trường. Điều đó đồng nghĩa với nguồn vốn ODA đã vay cũng sẽ chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi, hoặc tăng lãi suất lên 2-3,5%/năm. Như vậy, nếu không đẩy nhanh việc giải ngân 22 tỷ USD vốn vay ODA, áp lực gia tăng nợ công sẽ rất lớn, cả về thời gian và lãi suất.

Cẩn trọng trước khi ký kết vay vốn ODA

Trên thực tế, vấn đề tồn đọng vốn ODA đã diễn ra nhiều năm nay. Theo TS Bùi Ngọc Sơn, có nhiều nguyên nhân cản trở quá trình giải ngân vốn, như thủ tục hành chính rườm rà, giải phóng mặt bằng khó khăn, năng lực quản lý của ngành chức năng yếu kém... Tuy nhiên, việc tồn đọng số vốn vay ODA lên tới 22 tỷ USD, một phần còn xuất phát từ nội lực của nền kinh tế. Khi nền kinh tế phát triển, đặc biệt là sự sôi động của thị trường bất động sản, thì việc giải ngân vốn không quá chậm. Vì nguồn vốn ODA chủ yếu được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông... Và các doanh nghiệp đều muốn dự án triển khai nhanh chóng nhằm tận dụng thời cơ kiếm lời từ đất đai. Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản trầm lắng, doanh nghiệp không còn mặn mà, bởi động cơ về kinh tế không còn, trong khi thủ tục hành chính trong việc giải ngân vốn có nhiều phức tạp... Cũng theo TS Bùi Ngọc Sơn, giải ngân chậm còn xuất phát từ đối tác; khi cảm thấy nguồn vốn không được sử dụng rõ ràng họ sẽ tạm dừng cấp vốn.

GS Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nguồn vốn vay ODA không "cho không", mà luôn đi kèm với những điều kiện nhất định, đặc biệt là lợi ích kinh tế của bên cho vay. Chẳng hạn, khi Nhật Bản tài trợ vốn, họ phải được thầu thi công dự án. Đa phần vật liệu, thiết bị cần thiết cho công trình sẽ do đối tác cung cấp. Vì thế, cần phải hết sức cẩn thận trước khi chấp nhận vay vốn. Nếu không, con cháu chúng ta phải còng lưng trả nợ. Một nước đang phát triển như Việt Nam rất cần ODA nhưng cách sử dụng và lựa chọn nó như thế nào, rõ ràng là một thách thức không nhỏ - GS Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB), dự án trị giá 100 triệu USD được đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ có khoảng 210.000 người thoát nghèo. Nếu giải ngân vốn ODA tăng 10-20%, có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế mỗi năm thêm 0,3%, trong vòng 5 năm. Con số này cho thấy, nếu tận dụng hiệu quả nguồn vốn vay ODA sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế, cũng như cải thiện chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việc tìm lời giải cho bài toán sử dụng hiệu quả, minh bạch nguồn vốn vay ODA là nhiệm vụ của các bộ, ngành trong thời gian tới. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tồn đọng 22 tỷ USD vốn vay ODA: "Cõng nợ" về... để không

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.