Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao hàng Việt gặp khó?

Thanh Hiền| 25/05/2016 06:49

(HNM) - Những khó khăn về cơ chế chính sách, năng lực của DN cung cấp hàng hóa cũng như năng lực của chủ đầu tư dự án… khiến hàng Việt vẫn gặp nhiều khó khăn khi tham gia đấu thầu vào các dự án sử dụng vốn NSNN.

Bị loại từ vòng sơ tuyển

Nghị định 63/2014/CP của Chính phủ hướng dẫn thực thi Luật Đấu thầu cũng quy định rõ cần có ưu tiên đối với sản phẩm sản xuất trong nước. Song, nhiều chủ đầu tư vẫn có sự phân biệt đối xử với sản phẩm sản xuất trong nước, dù sản phẩm được đánh giá đạt chất lượng, khiến hàng hóa sản xuất trong nước gặp bất lợi và gần như bị loại ngay vòng sơ tuyển khi tham gia đấu thầu vào các công trình có vốn NSNN. Theo ông Trần Thọ Huy, Tổng Giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam, dù là nhà sản xuất thang máy hàng đầu của Việt Nam, nhưng công ty không thể tham gia đấu thầu tại các dự án có vốn đầu tư từ NSNN ở miền Bắc. Lý do là ngay trong thông báo mời thầu, chủ đầu tư các dự án đã đưa ra yêu cầu chỉ sử dụng thang máy nhập khẩu từ các nước G7 hoặc ASEAN. Bà Phạm Thị Loan, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt Á còn đưa ra con số khiến nhiều người giật mình: Có tới 90% số dự án tổng thầu EPC (tư vấn - thiết kế - cung ứng thiết bị - xây lắp, vận hành) của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận, trong đó chủ yếu là các dự án về dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim.

Hàng Việt vẫn gặp nhiều khó khăn khi tham gia đấu thầu vào các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Ảnh: Viết Thành


Nhận định về vấn đề này, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, những khó khăn chủ yếu tác động đến hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 494/TTg là do cơ chế chính sách, do năng lực của cả chủ đầu tư và DN cung cấp hàng hóa. Về chính sách, đến nay hầu như chưa có hàng rào kỹ thuật, nhất là các tiêu chuẩn liên quan đến bảo vệ sức khỏe người sử dụng, tiêu hao năng lượng… đối với các loại hàng hóa, nhất là sản phẩm cơ khí. Việt Nam cũng chưa có chính sách hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ, mua bán bản quyền thiết kế, đặc biệt là trong việc đầu tư các phần mềm thiết kế chế tạo thiết bị phục vụ sản xuất các nhà máy thủy điện, xi măng. Ngoài ra, để hàng hóa trong nước có thể được sử dụng nhiều hơn tại các dự án sử dụng vốn nhà nước thì việc lập kế hoạch, chọn nhà thầu sẽ phải bóc tách, phân chia nhỏ gói thầu... nhưng một số dự án đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các gói thầu, rủi ro về vận hành cao, nên việc tách gói thầu phải cân nhắc kỹ đi đôi với việc thuê tư vấn giỏi. Vì vậy, nhiều hồ sơ mời thầu vẫn ưu tiên hàng nhập ngoại, loại bỏ hàng sản xuất trong nước ngay cả khi sản phẩm đó nằm trong danh mục máy móc, thiết bị, vật tư... trong nước sản xuất đã được Bộ Công thương phê duyệt. Về phía năng lực của các DN cung cấp hàng hóa trong nước, dù đã có chuyển biến, nhưng thực tế một số máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu sản xuất trong nước chưa cạnh tranh được với những sản phẩm nhập khẩu cùng loại, dẫn đến chi phí sửa chữa, bảo trì, thay thế trong quá trình vận hành tăng…

Tăng cường quản lý nhà nước về đấu thầu

Nhằm đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc thực hiện Chỉ thị 494/TTg, góp phần hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Bộ Công thương vừa có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc đôn đốc tích cực thực hiện Chỉ thị 494/TTg. Các chủ đầu tư dự án xem xét trong quá trình lập kế hoạch, chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu phải tạo điều kiện cho DN sản xuất máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước tham gia đấu thầu hoặc cung ứng…

Thực tế, việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước không chỉ góp phần quan trọng làm giảm nhập siêu, tạo việc làm, mà còn gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp. Vì vậy, để tăng cường sử dụng thiết bị, máy móc, vật tư "nội" trong đấu thầu, theo chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, không có cách nào khác là phải tăng cường quản lý nhà nước về đấu thầu. Bên cạnh đó, do hồ sơ mời thầu các dự án lớn thường được giao cho tư vấn nước ngoài soạn thảo, nên các tiêu chí từ định nghĩa, tiêu chuẩn sản phẩm đến năng lực nhà thầu… đều thiên về các DN "ngoại", làm khó cho DN "nội". Vì vậy, để đẩy mạnh sử dụng hàng hóa, vật tư "nội" tại các công trình đấu thầu, Nhà nước cần ban hành quy định các DN trong nước khi thực hiện dự án phải xây dựng kế hoạch đầu tư, sử dụng các mặt hàng trong nước sản xuất. Với các công trình có nhà thầu "ngoại" tham gia đấu thầu, phải có cam kết sử dụng các thiết bị mà Việt Nam sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao hàng Việt gặp khó?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.