Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính sách thuế tài nguyên khoáng sản: Còn nhiều bất cập

Phương Nhi| 30/05/2016 06:40

(HNM) - Năm 2009, Quốc hội đã ban hành Luật Thuế tài nguyên thay thế cho các quy định cũ. Luật Thuế tài nguyên đã kế thừa, luật hóa các quy định liên quan đến tài nguyên và khắc phục những mặt hạn chế của chính sách trước đó.



Tuy nhiên, đóng góp ngân sách từ ngành khoáng sản vẫn hạn chế và nhiều bất cập do quy định còn kẽ hở để doanh nghiệp trốn thuế. Các chuyên gia kiến nghị, nên áp dụng sáng kiến của quốc tế, minh bạch nguồn thu và kiểm soát thu cho ngân sách.

Chính sách thuế tài nguyên khoáng sản bộc lộ nhiều hạn chế cần sớm khắc phục.


Đóng góp hạn chế

Theo các số liệu thống kê của quốc tế, Việt Nam đứng thứ 7 về khai thác dầu thô ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đóng góp 2,3% tổng sản lượng thiếc và 1,8% tổng sản lượng xi măng trên thế giới. Còn số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hằng năm Việt Nam khai thác khoảng 42,6 triệu tấn than, 3 triệu tấn quặng sắt, 3 triệu tấn Apatit, 193 nghìn tấn Mangan và nhiều loại khoáng sản khác... Dù lượng khai thác khá lớn nhưng đến nay, đóng góp của các ngành này cho ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn rất hạn chế. Theo Bộ Tài chính, số thu thuế tài nguyên, ngoài dầu khí, chỉ đạt 0,9%-1,1% tổng thu NSNN. Cục Thuế tỉnh Yên Bái, địa phương thu được 100 tỷ đồng thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản năm 2015 cho rằng, nguồn thu này chưa tương xứng với quy mô khai thác, sự xuống cấp của hạ tầng và ảnh hưởng môi trường do nguồn tài nguyên không tái tạo đang bị cạn kiệt.

Tại hội thảo "Nâng cao hiệu quả thu ngân sách trong khai thác khoáng sản: Từ kinh nghiệm thực tiễn đến các giải pháp chính sách", do Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức mới đây, TS Lê Xuân Trường, giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, chính sách thuế tài nguyên còn nhiều bất cập, tạo kẽ hở để doanh nghiệp trốn thuế. Theo TS Trường, sản lượng tính thuế do doanh nghiệp tự tính toán, kê khai nhưng việc kiểm soát sản lượng khai thác và giá tính thuế hiện rất yếu. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên - môi trường chưa hiệu quả. Việc khai thác và xuất khẩu trái phép vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, gây thất thu ngân sách.

Cho rằng chính sách thuế tài nguyên hiện nay không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho chế biến khoáng sản, ông Hoàng Ngọc Thảo đại diện Công ty Apatit Việt Nam nêu ví dụ: Tại mỏ Apatit Lào Cai, Công ty đang khai thác quặng loại 1 (khoảng 32% P2O5), quặng loại 2 (22-28% P2O5), quặng loại 3 (9-18% P2O5). Tuy nhiên, trữ lượng quặng loại 1 và quặng loại 2 không còn nhiều. Quặng loại 3 không thể sử dụng trực tiếp để sản xuất phân bón mà phải qua quá trình tuyển. Hiện, giá tính thuế tài nguyên đối với quặng loại 3 là 350.000 đồng/tấn. Với mức thu này, tổng giá thành chế biến quặng loại 3 thành quặng tuyển có thể sử dụng được là 944.933 đồng/tấn, trong khi giá bán là 962.900/tấn. Như vậy, Công ty gần như không có lãi.

Nhiều “kẽ hở”

Một con số đáng chú ý là đối với nhiều quốc gia, tỷ lệ thất thu trong khai thác tài nguyên là 5-25% GDP. Nếu lấy tỷ lệ thấp nhất 5% GDP, hằng năm Việt Nam có thể mất tới 1 tỷ USD ngân sách do các kẽ hở của chính sách thuế tài nguyên và quản lý thu chưa tốt. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, Việt Nam cần sớm chỉnh sửa Luật Thuế tài nguyên để khắc phục các bất cập; đồng thời, có giải pháp quản lý thuế tốt, như tham gia hệ thống trao đổi thông tin thuế tự động giữa các quốc gia. Theo bà Trần Thanh Thủy, chuyên gia của Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Việt Nam cần sớm áp dụng sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI), đã được áp dụng ở 49 quốc gia, gồm nhiều quốc gia phát triển. Nguyên tắc của EITI là doanh nghiệp và các cơ quan của Chính phủ công khai các thông tin trên chuỗi giá trị công nghiệp khai thác, từ cấp phép, khai thác, quản trị doanh nghiệp nhà nước, đến nộp ngân sách và quản lý ngân sách; qua đó, tạo cơ chế so sánh, đối chiếu thông tin hiệu quả và hỗ trợ quản lý thu. "Thông qua báo cáo EITI, Zambia đã phát hiện nguồn thu chính phủ từ khai khoáng chỉ chiếm 0,77% tổng giá trị sản xuất. Trong đó, 50% số thu này là do một doanh nghiệp đóng góp, dù Zambia có rất nhiều công ty khai thác khoáng sản quy mô lớn. Tương tự, nhờ số liệu từ EITI, Nigieria đã phát hiện lỗ hổng trong hệ thống thuế và truy thu 560 triệu USD từ khai thác dầu khí. Việt Nam đã tiếp cận EITI từ năm 2006. Tuy nhiên, sau 10 năm xem xét, Việt Nam chưa tuyên bố tham gia sáng kiến này" - bà Thủy chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách thuế tài nguyên khoáng sản: Còn nhiều bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.