Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trong 16,8 tỷ ly cà phê, bao nhiêu là cà phê thật?

Thu Hà| 20/07/2016 07:21

(HNM) - Ngày 12-7 vừa qua, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố báo cáo khảo sát cà phê trên thị trường một số tỉnh và thành phố. Kết quả khảo sát sau 3 đợt, từ tháng 5 đến 7-2016 cho thấy, có tới 9 mẫu cà phê bột và cà phê nước tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Sóc Trăng và Lâm Đồng


Cà phê: chưa hẳn có cà phê!

Kết quả chi tiết các khảo sát cũng cho thấy, trong 253 mẫu khảo sát thực hiện tại 4 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Sóc Trăng trong tháng 6 và 7-2016 có gần một nửa (47,54%) mẫu cà phê lấy từ các quán nhỏ, xe đẩy, vỉa hè và căng tin bệnh viện, có hàm lượng caffeine rất thấp. Thậm chí, có 5 mẫu lấy ngẫu nhiên tại các địa điểm cà phê bệt, xe đẩy, hoàn toàn không có hàm lượng caffeine. Và 1/3 tổng số mẫu khảo sát có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới 1g/lít).

Cơ quan chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất “cà phê hóa chất”.



Ngày 25-6-2016, Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng) công bố: Có 2 mẫu không có hàm lượng caffeine trong 100 mẫu cà phê bột tại các cơ sở sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 28/100 mẫu có hàm lượng caffeine dưới 1,0% (không đạt yêu cầu).

Theo báo cáo về ngành cà phê Việt Nam do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (xuất bản ngày 6-1-2016), niên vụ 2015-2016, tiêu thụ cà phê rang xay nội địa tại Việt Nam ước đạt 2,25 triệu bao, tương đương 135 triệu ki lô gam cà phê nguyên liệu. Nếu tính theo chuẩn pha cà phê Espresso của Mỹ (8 gram cà phê nguyên liệu/ly) thì trung bình, Việt Nam tiêu thụ hơn 16,8 tỷ ly cà phê/năm. Câu hỏi đặt ra, trong 16,8 tỷ ly cà phê ấy, có bao nhiêu ly được làm từ cà phê nguyên chất? Và nếu không có đủ hàm lượng caffeine tối thiểu, hoặc tệ hơn là không hề có caffeine, thì hàng tỷ ly cà phê ấy chứa gì?

Hiểm họa từ "cà phê hóa chất"

Ngày 15-7, Đoàn thanh tra liên ngành TP Hồ Chí Minh cùng các cơ quan chức năng “đột kích” một cơ sở ở quận Bình Tân, phát hiện nhiều bao tải chứa đậu nành rang cháy được đóng gói sơ sài đặt trên nền đất bẩn thỉu, không bảo đảm điều kiện vệ sinh cùng các can, chai lọ đựng hương liệu, phẩm màu và cả nước mắm, mà theo chủ cơ sở là... dùng để pha chế “tăng độ ngon” cho cà phê. Cùng ngày, tổ công tác cũng phát hiện một cơ sở sản xuất khác tại huyện Bình Chánh, chứa nhiều bao tải đậu nành trộn với cà phê, cùng các can nguyên liệu phẩm màu, nước mắm, đang chế biến "cà phê hóa chất" theo nhu cầu của các quán nhỏ lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Cà phê ngoài đường phố không an toàn.



Việc uống loại cà phê đậu nành, bắp rang cháy, pha trộn hóa chất độc hại này mỗi ngày sẽ không khiến người uống mắc bệnh, suy yếu ngay. Nhưng nếu cứ uống hằng ngày thì sẽ tích tụ trong cơ thể, gây suy gan, thận, tim mạch, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí, chính là tiền căn gây ung thư, đe dọa tính mạng.

Ông William Robert Frith Jr, thành viên Hiệp hội Cà phê và Liên đoàn pha chế Hoa Kỳ (BGA), chuyên gia về kiểm soát cà phê, làm việc nhiều năm tại Việt Nam cho biết: Tại Mỹ, luật pháp bắt buộc phải liệt kê danh sách các thành phần được dùng trong thực phẩm, sau đó phải được sự chấp thuận của các thanh tra y tế và bị kiểm tra không báo trước. Việc trộn phụ gia như đậu, bắp và khẳng định là cà phê nguyên chất không chỉ vi phạm luật an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn là gian lận thương mại. Các cơ sở sản xuất cà phê trộn ở Việt Nam cũng cần được kiểm soát một cách chặt chẽ, buộc phải minh bạch thành phần và hàm lượng cà phê nguyên chất, mới có thể lấy lại được uy tín tại thị trường trong nước và quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trong 16,8 tỷ ly cà phê, bao nhiêu là cà phê thật?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.