Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo động vệ sinh an toàn thực phẩm làng nghề

Minh Phú| 18/08/2016 06:39

(HNM) - Cơ quan chức năng vừa bắt giữ gần 6 tấn phụ gia, hương liệu do nước ngoài sản xuất, không rõ chất lượng ở xã An Thượng (Hoài Đức) dùng để sản xuất bim bim. Trước vi phạm nghiêm trọng này và những tồn tại cố hữu ở các làng nghề đã gióng lên hồi chuông báo động về vệ sinh an toàn thực phẩm

Lo ngại an toàn thực phẩm

Chiều 17-8, có mặt tại xã La Phù, không khí sản xuất bánh kẹo phục vụ thị trường Tết Trung thu diễn ra tấp nập. Trên trục đường giao thông của xã, xe tải, xe ba gác liên tục vào, ra chở hàng hóa phục vụ làng nghề. Phó Chủ tịch UBND xã La Phù Nguyễn Hữu Khoa cho biết: Xã có 130 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bánh kẹo, bim bim..., riêng làm bánh trung thu có 5 cơ sở, sản xuất trung bình từ 6 đến 7 tấn bánh/vụ.

Ảnh: ANTĐ


Qua rà soát, huyện Hoài Đức có 275 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, trong đó 22 cơ sở sản xuất bánh trung thu đã được Sở Công Thương cấp giấy chứng nhận VSATTP. Sản xuất bánh, kẹo tập trung chủ yếu ở các xã: La Phù, Dương Liễu, Minh Khai với sản lượng khoảng hơn 4.000 tấn/năm và bánh trung thu khoảng 11 tấn/vụ. Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Nguyễn Văn Hiến cho biết: Đây là mặt hàng đem lại nguồn thu nhập lớn cho các hộ sản xuất. Tuy nhiên, do các cơ sở sản xuất tận dụng diện tích đất ở của gia đình nên quy mô thường nhỏ lẻ, vốn đầu tư hạn chế. Một số hộ chưa đáp ứng được công tác VSATTP. Đáng chú ý, cơ quan chức năng đã phát hiện một số vụ vi phạm VSATTP quy mô lớn trên địa bàn.



Đội trưởng Đội quản lý thị trường (QLTT) số 24 (Chi cục QLTT Hà Nội) Tô Sơn Hồng cho biết, ngày 10-8 vừa qua, Đội phối hợp với Đội QLTT số 13 và Đội an ninh nông nghiệp PA81 (Công an thành phố) tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất bánh snack (bim bim) đóng gói là Công ty TNHH SaSa Hà Nội tại địa chỉ thôn An Hạ, xã An Thượng. Qua kiểm tra nơi cất giữ hàng hóa đầu vào phục vụ sản xuất, phát hiện 370kg nguyên liệu thực phẩm và gần 6 tấn phụ gia, hương liệu, gồm: 10 thùng chất tạo màu (mỗi thùng 5kg), 68 bao chất tạo ngọt (mỗi bao 25kg); 500 gói chất chống ẩm, mỗi gói 0,5kg; 130 thùng hương liệu bò (mỗi thùng 15kg) do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không rõ chất lượng.

Khó khăn trong quản lý

Theo Phó Trưởng phòng Y tế huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thanh Huyền: Thực hiện quy định của TP Hà Nội về việc ban hành quy định phân công trách nhiệm quản lý về an toàn thực phẩm, huyện Hoài Đức đã triển khai và cấp 6 giấy chứng nhận VSATTP và 76 giấy xác nhận kiến thức VSATTP. Tại 3 xã trọng điểm chế biến nông sản La Phù, Dương Liễu và Minh Khai, Đội QLTT số 24 đã phối hợp với UBND huyện tổ chức 3 hội nghị tập huấn kiến thức về VSATTP tại 3 xã, với gần 1.000 người tham dự. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở sản xuất ký cam kết bảo đảm VSATTP. Tuy vậy vẫn còn một số đối tượng chưa chấp hành. Đáng ngại, chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết Trung thu.

Ông Tô Sơn Hồng cho biết thêm: Các đối tượng vi phạm thường lén lút, thậm chí sản xuất trong các gia đình nên khó kiểm tra, phát hiện. Trong khi đó, việc sản xuất lại rộ lên trong một số dịp như Tết Nguyên đán, lễ hội và Trung thu… nên thiếu lực lượng kiểm tra. "Để làm tốt công tác này, trách nhiệm không chỉ của QLTT mà của cả hệ thống chính trị, quan trọng nhất là chính quyền cơ sở" - ông Tô Sơn Hồng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND xã La Phù Nguyễn Hữu Khoa cho biết, các doanh nghiệp, hộ sản xuất làng nghề mắc lỗi chính là nguyên liệu, phụ gia một số sản phẩm không xuất trình được hóa đơn nguồn gốc xuất xứ, người lao động thiếu giấy chứng nhận sức khỏe; vệ sinh dụng cụ và cơ sở sản xuất chưa bảo đảm… Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước cấp xã gặp không ít khó khăn bởi xã chỉ trực tiếp quản lý hộ sản xuất, các doanh nghiệp và công ty do huyện, thành phố quản lý và xã chỉ phối hợp. Bên cạnh đó, lực lượng chuyên môn về VSATTP của xã chưa có chuyên môn sâu và chưa được đào tạo bài bản.

Dù làng nghề phát triển đã góp phần nâng cao đời sống người dân, nhưng do sản xuất tự phát, thiếu vốn, thiếu mặt bằng nên quy mô nhỏ lẻ nên chưa đáp ứng các tiêu chí về VSATTP. Trong khi đó, công tác quản lý sản xuất, kinh doanh vẫn lỏng lẻo, chưa quyết liệt. Đáng lo ngại là những sản phẩm của các làng nghề nói trên có thị trường tiêu thụ chủ yếu là khu vực nông thôn, miền núi, nơi bộ máy quản lý và điều kiện của người dân còn nhiều hạn chế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Báo động vệ sinh an toàn thực phẩm làng nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.