Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giám sát trực tuyến thu phí đường bộ: Biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tiêu cực

Tuấn Lương| 16/09/2016 07:16

(HNM) - Nhằm hạn chế tiêu cực, thất thu phí đường bộ, Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương nghiên cứu xây dựng phần mềm giám sát trực tuyến, kiểm tra tính xác thực doanh thu tại các trạm thu phí. Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ lắp đặt hệ thống thu phí không dừng (ETC) tại 28 trạm thu phí trên một số tuyến quốc lộ...


Vẫn có tiêu cực trong thu phí đường bộ

Thời gian qua, dư luận liên tục phản ánh về những tiêu cực trong thu phí đường bộ tại một số trạm thu phí (TTP) vẫn đang áp dụng loại vé giấy và thu vé thủ công. Theo phản ánh, tại TTP Đại Yên (Quảng Ninh) trên quốc lộ 18 và TTP quốc lộ 5 có hiện tượng lái xe, đặc biệt là xe tải trọng lớn, nếu không lấy cuống vé, sẽ được nhân viên bán vé “tạo điều kiện” cho qua với mức phí thấp hơn giá chuẩn. Số tiền này sẽ được nhân viên của trạm "ăn chia". Trước đó, đầu tháng 5-2016, một trong ba cổ đông trong liên danh nhà đầu tư đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là Tổng công ty Xây dựng giao thông 1 - Công ty cổ phần (Cienco 1) đã "tố" doanh thu thu phí mà liên danh này báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như thông báo cho các cổ đông là chưa sát với thực tế; đồng thời đặt ra nghi vấn thất thoát phí và đề nghị thanh tra hoạt động thu phí của tuyến cao tốc này.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã lập đoàn kiểm tra, giám sát liên tục trong 10 ngày cho thấy: Kết quả doanh thu thu phí là 19,85 tỷ đồng, bình quân 1,985 tỷ đồng/ngày, chênh lệch khoảng 600 triệu đồng so với mức thu phí bình quân ngày của các tháng trước mà Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cổ đông.
Với TTP trên quốc lộ 5, theo kết quả thanh tra, cơ bản không có thất thoát, tiêu cực. Tuy nhiên, đơn vị quản lý, khai thác TTP là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầutư tài chính Việt Nam - VIDIFI thừa nhận, có hiện tượng buôn bán cuống vé sau trạm BOT số 1.

Ngăn thất thu bằng phần mềm giám sát trực tuyến

Nhằm hạn chế tình trạng gian lận tại các TTP, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các nhà đầu tư BOT trên toàn quốc tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác thu phí; có biện pháp chống gian lận và thất thoát tiền thu phí; nâng cấp, hiện đại hóa công nghệ thu phí một dừng; tăng thời gian lưu trữ dữ liệu thu phí để phục vụ hậu kiểm. Cùng với đó, Bộ GT-VT cũng yêu cầu các nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành dự án lắp đặt hệ thống thu phí không dừng (ETC) tại 28 TTP trên tuyến quốc lộ 1 và quốc lộ 14 đoạn đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, ngay trong tháng 10-2016.

Ngoài ra, nhằm tăng cường giám sát và công khai, minh bạch công tác thu phí, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang xây dựng phần mềm giám sát thu phí trực tuyến. Theo ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ - Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), Tổng cục đã đưa ra phương án thứ nhất là đặt máy chủ tại các TTP, từ đó truyền dữ liệu thu phí về Tổng cục. Tuy nhiên, sau khi đánh giá tổng thể, cách làm này không khả thi vì phải bố trí nhân viên duy trì hệ thống. Phương án thứ hai là cài thêm phần mềm vào hệ thống dữ liệu của các TTP, sau đó truyền dữ liệu và công khai các số liệu thu phí, thời gian thu phí.

Tuy nhiên, mỗi TTP sử dụng các hệ điều hành khác nhau nên dễ gây ra những sự cố, hư hỏng và khó thực hiện. Phương án thứ ba là yêu cầu các TTP tự truyền dữ liệu trực tuyến về Tổng cục. Thông tin sẽ được kiểm chứng thông qua việc kiểm tra, giám sát đột xuất. Nếu thấy có sự can thiệp hệ thống, cơ quan chức năng sẽ xử phạt nặng. Hiện cơ quan chức năng vẫn đang nghiên cứu, tuy nhiên, dù theo phương án nào thì việc giám sát trực tuyến không có sự can thiệp của các trạm; số liệu truyền về chính xác có lưu trữ hình ảnh và video, để khi trích xuất sẽ bảo đảm tính pháp lý cao nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giám sát trực tuyến thu phí đường bộ: Biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tiêu cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.