Theo dõi Báo Hànộimới trên

10 bước đi giúp chính phủ và DN chuyển sang thanh toán điện tử

07/10/2016 18:46

Một báo cáo mới từ Tổ chức Liên minh không tiền mặt (Better Than Cash) thuộc Liên Hiệp Quốc (LHQ) vừa công bố 10 bước đi thực tiễn giúp chính phủ và doanh nghiệp các quốc gia từ bỏ nền kinh tế nặng tiền mặt và tiến dần đến các phương thức thanh toán điện tử.


Báo cáo mới được đưa ra ngay sau khi Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey công bố dự báo cho rằng cho đến năm 2025 nền Tài chính Số có thể mang đến 3.7 nghìn tỷ USD tăng trưởng GDP, tạo ra thêm 95 triệu việc làm trên mọi lĩnh vực, và giúp giảm thất thoát 110 tỷ USD hằng năm ở các quốc gia đang phát triển.

Việt Nam hiện đang tích cực triển khai Chiến lược Phát triển các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong giai đoạn 2016 – 2020 và hướng đến năm 2030. Đồng thời, Việt Nam cũng đang trong quá trình xây dựng Chiến lược Tài chính cho mọi người ở cấp độ Quốc gia nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận tài chính theo quy định chính thức cho người dân, trong đó việc phát triển hệ thống thanh toán dự kiến sẽ là một trong những nhân tố thiết yếu. Hiện nay, có đến 69% người trưởng thành tại Việt Nam chưa sở hữu các tài khoản tài chính.

Gần đây nhất, chính phủ Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Liên minh không tiền mặt thuộc LHQ, đối tác toàn cầu vừa công bố nghiên cứu mới được thực hiện trên 50 chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, với mục tiêu thúc đẩy sự chuyển đổi từ phương thức thanh toán tiền mặt sang các phương thức thanh toán điện tử nhằm giúp người dân thoát khỏi đói nghèo và thúc đẩy sự tăng trưởng mang lợi ích cho mọi người. Có nhiều bằng chứng cho thấy ích lợi của việc chuyển đổi từ phương thức thanh toán tiền mặt sang điện tử, nhưng đối với các chính phủ, việc tự ứng dụng phương thức này vẫn đang là một trở ngại. Một phần nguyên nhân là vì để xây dựng thành công một nền kinh tế mà ở đó phương thức thanh toán điện tử có mặt rộng khắp, đòi hỏi nỗ lực hợp tác từ cả khu vực công và tư nhân. Tổ chức Liên minh không tiền mặt đã thực hiện một nghiên cứu tại 25 quốc gia, bao gồm Ấn Độ, Nigeria, Tanzania, Ghana, Brazil và Mexico,… Nghiên cứu đã xác định 10 nhân tố tác động mạnh mẽ, thúc đẩy việc hình thành các nền kinh tế mà ở đó phương thức thanh toán điện tử được phổ biến rộng rãi.

“Nghiên cứu mới từ McKinsey về Tài chính Điện tử cho mọi người chắc chắn sẽ tạo cảm hứng cho các nhà lãnh đạo của những quốc gia đang phát triển nhanh chóng hướng tới xây dựng một nền kinh tế sử dụng phổ biến các phương thức thanh toán điện tử,” Tiến sĩ Ruth Goodwin-Groen, Giám đốc Điều hành Tổ chức Liên minh không tiền mặt cho biết. “Chúng tôi cũng vừa công bố một nghiên cứu trình bày cách thức giúp các chính phủ và doanh nghiệp nhanh chóng từ bỏ phương thức thanh toán dùng tiền mặt. Tạo dựng một nền kinh tế số có thể tốn nhiều công sức, tuy nhiên những dữ liệu nghiên cứu cho thấy điều đó hoàn toàn có thể thực hiện được và sẽ giúp thúc đẩy sự tăng trưởng đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, cũng như giải quyết vấn đề nghèo đói.”

Báo cáo này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng hơn bao giờ hết của việc chuyển đổi sang phương thức thanh toán điện tử. Dữ liệu được tổng hợp từ báo cáo cũng cung cấp bằng chứng về lợi ích mà sự chuyển đổi này mang lại, bao gồm:

Ấn Độ tiết kiệm 2 tỷ USD mỗi năm bằng cách số hoá việc trợ cấp nhiên liệu và giảm chi phí thất thoát trong thanh toán. Tại Tanzania, việc số hoá phương thức thanh toán đối với cổng kinh doanh với chính phủ giúp cắt giảm 175 triệu USD doanh thu thất thoát hằng năm và triển vọng giúp tăng trưởng đến 1,8 tỷ USD GDP.Brazil tiết kiệm hơn 30% chi phí giao dịch trong việc giải ngân từ chính phủ đến người dân. Nhờ lắp đặt 20,000 thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS), tăng trưởng mảng thanh toán điện tử tại Mexico đạt mức 17% trong năm 2015, so với cùng kỳ năm trước.

Phân tích đã khái quát hoá 10 hoạt động mà các quốc gia khác có thể áp dụng nhằm thúc đẩy các sáng kiến để tiết kiệm ngân sách, tăng thu thuế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

10 nhân tố thúc đẩy đó là:
1. Phát triển cơ sở hạ tầng chấp nhận thanh toán đối với các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ nhằm ứng dụng sâu rộng đối với khách hàng và các doanh nghiệp lớn hơn.

2. Vận dụng các mạng lưới và nền tảng sẵn có nhằm phân phối các sản phẩm và dịch vụ thanh toán điện tử, từ đó mở rộng các phương thức thanh toán điện tử một cách nhanh chóng và đạt hiệu quả chi phí.

3. Tạo dựng cơ sở hạ tầng điện tử chung cho các doanh nghiệp nhằm giảm thiểu rào cản gia nhập và cải tiến công nghệ trong cả khu vực công và tư nhân.

4. Tạo dựng khả năng tương tác nhằm phá bỏ rào cản giới hạn giao dịch điện tử trong một nền tảng thanh toán duy nhất, từ đó gia tăng khả năng ứng dụng và chấp nhận thanh toán.

5.Phát triển chương trình nhận diện chuyên biệt để các doanh nghiệp thuộc cả khu vực công và tư nhân đều có thể tham gia được nhằm xác định các bên có thể thúc đẩy thanh toán điện tử và đảm bảo việc tiếp cận tài chính cho tất cả mọi người. Các chương trình bảo vệ người dùng được xem là thiết yếu nhằm đảm bảo tính bảo mật, an toàn và khả năng quản lý dữ liệu.

6.Số hoá các quy trình sử dụng thông thường mà người dùng cá nhân thường sử dụng trong giao dịch nhằm gia tăng sự tiện dụng và tần suất sử dụng thanh toán và giao dịch điện tử.

7.Số hoá thanh toán chính phủ nhằm phát triển môi trường thanh toán điện tử thông qua tiết kiệm chi phí giao dịch và gia tăng khả năng tiếp cận của người dân với các phương thức này.

8. Số hoá việc phát hành biên lai chính phủ nhằm tăng tính tiện dụng của các phương thức thanh toán điện tử đối với người dùng cá nhân và doanh nghiệp, từ đó giảm thiểu thất thoát, và giúp tăng trưởng doanh thu. Việc hợp tác với khu vực tư nhân là điều tối quan trọng.

9.Tạo dựng hệ thống pháp lý nhằm thúc đẩy cải tiến công nghệ và việc sử dụng có trách nhiệm, thông qua việc thấu hiểu những khác biệt và rào cản của pháp luật hiện hành, đồng thời kết nối các bên liên quan.

10. Ban hành các chính sách khuyến khích và cải thiện tính tiện lợi của thanh toán điện tử nhằm ứng dụng nhanh chóng và rộng khắp phương thức thanh toán điện tử.

Việc am hiểu các nhân tố này sẽ giúp các chính phủ hoạch định chiến lược phù hợp nhằm ứng dụng một cách tốt nhất những kiến thức trên cho từng thị trường riêng biệt. Báo cáo này đi kèm với một bộ công cụ nhằm giúp các nhà lập pháp và các bên liên quan phát triển những chương trình chính sách tương tự.

Tổ chức Liên minh không tiền mặt là một đối tác toàn cầu của các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế đang thực hiện quá trình chuyển đổi từ phương thức thanh toán dùng tiền mặt sang thanh toán điện tử, nhằm xoá đói giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng mang lại lợi ích cho mọi người. Quỹ Phát triển Nguồn vốn LHQ đóng vai trò Ban Thư ký của tổ chức này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
10 bước đi giúp chính phủ và DN chuyển sang thanh toán điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.