Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển cây dược liệu: Hướng đi mang lại hiệu quả cao

Đỗ Minh| 14/11/2016 06:50

(HNM) - Trong tái cơ cấu ngành trồng trọt, Bộ NN&PTNT xác định, dược liệu là một trong những cây trồng giúp nâng cao năng suất, giá trị kinh tế. Đầu tư trồng cây dược liệu, người dân có thể thu lại giá trị từ 300 triệu đồng đến vài tỷ đồng/ha tùy theo từng giống cây trồng.

Nguồn nguyên liệu phong phú

Theo Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có khoảng 4.000 loài dược liệu có công dụng làm thuốc, trong đó, nhiều loài cây bản địa và nhập ngoại được phổ biến rộng trong sản xuất.

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết: Thống kê chưa đầy đủ, cả nước có khoảng 15.000ha trồng cây dược liệu, gồm diện tích cây dược liệu dài ngày khoảng 10.000ha, dược liệu ngắn ngày khoảng 5.000ha. Cây dược liệu phổ biến như: Atiso, bình vôi, đảng sâm, hà thủ ô đỏ, hoa hòe, tam thất…; hiện hơn 70% là cây thuốc mọc tự nhiên, gần 30% được đầu tư gieo trồng và chăm sóc; nguồn cây thuốc tự nhiên mỗi năm cung cấp khoảng 20.000 tấn. Ngoài ra, Việt Nam còn có nhiều loài dược liệu quý hiếm khác được thu hái, sử dụng tại chỗ trong cộng đồng nhưng chưa có thống kê cụ thể.

Vườn ươm cây dược liệu của người Dao ở Ba Vì.


Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm, tác giả của cây trồng trinh nữ hoàng cung Việt Nam cũng là người rất tâm huyết với cây dược liệu chia sẻ: Hàn Quốc chỉ có hai loại dược liệu quý là sâm và linh chi nhưng đã biết khai thác để biến thành thương hiệu quốc gia. Với nguồn dược liệu phong phú, Việt Nam dư sức phát triển cây dược liệu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đây không chỉ là nguồn cung cho Ngành Dược mà còn là mô hình kinh tế hiệu quả, có giá trị xã hội và nhân văn lớn.

Tuy nhiên, việc phát triển cây dược liệu tại Việt Nam thời gian qua dường như bị bỏ ngỏ. Hầu hết cây dược liệu của Việt Nam phát triển trong các vùng có khí hậu ôn đới, mọc nhiều trong rừng và đồi núi. Đa phần nguồn dược liệu tự nhiên được người dân tự bào chế thành thuốc phục vụ nhu cầu gia đình và nhân dân địa phương. Số vườn cây dược liệu được quy hoạch phát triển của cả nước còn hạn chế, đặc biệt là nguồn dược liệu cho chế biến thuốc.

Sẽ phát triển 54 loài dược liệu thế mạnh

Với mục tiêu phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với công nghiệp chế biến, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu, Chính phủ đã phê duyệt đề án quy hoạch và phát triển cây dược liệu. Theo đó, đề án quy hoạch 8 vùng dược liệu trọng điểm: Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ để lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu, đạt khoảng 2.500 tấn/năm.

Xây dựng 5 vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia đại diện cho các vùng sinh thái, là nơi tập trung, bảo tồn và trồng mới nhiều loài cây thuốc thu thập ở các địa phương khác nhau, đại diện cho vùng khí hậu đặc trưng để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phát triển dược liệu; tập trung bảo hộ, bảo tồn nguồn gen đặc hữu, bản địa, có giá trị và có nguy cơ bị tuyệt chủng cao...

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Traphaco Vũ Thị Thuận cho rằng: Việc quy hoạch vùng dược liệu không những mở ra hướng sản xuất mới cho Ngành Nông nghiệp mà còn hỗ trợ phát triển Ngành Dược. Trung bình mỗi năm, Việt Nam bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để nhập khẩu nguyên liệu, tiếc là nguồn nguyên liệu trong nước khá dồi dào nhưng chưa khai thác hết tiềm năng.

Việc phát triển cây dược liệu cần có lộ trình cụ thể, đặc biệt cần có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp và phải xây dựng được thương hiệu. Đơn cử như sản phẩm cao và hoa atiso của Đà Lạt hoàn toàn có thể trở thành một thảo dược quý như các loại sâm Hàn Quốc nếu có lộ trình phát triển và đầu tư đúng hướng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Thời gian tới, Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành liên quan, kêu gọi doanh nghiệp cùng các địa phương thống kê và xây dựng vùng theo đúng quy hoạch. Cụ thể, sẽ quy hoạch phát triển 54 loài dược liệu thế mạnh của 8 vùng sinh thái phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây thuốc để đến năm 2020 có thể đáp ứng được 60% và đến năm 2030, con số này nâng lên 80% tổng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển cây dược liệu: Hướng đi mang lại hiệu quả cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.