Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ý nghĩa lớn, hiệu quả thiết thực

Thanh Hiền| 02/12/2016 06:17

(HNM) - Bảo đảm bình ổn thị trường, phục vụ nhân dân Thủ đô, đặc biệt trong dịp Tết sắp tới là một trong những nội dung chính của hội nghị

Bảo đảm cung ứng đủ hàng phục vụ Tết

Theo Sở Công Thương Hà Nội, nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân Thủ đô trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới sẽ tăng 5-20%. Trong khi, khả năng cung ứng tại Hà Nội chỉ đáp ứng được 30-60%. Do đó, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh chuẩn bị lượng hàng hóa tăng khoảng 10% so với Tết Nguyên đán 2016. Dự kiến, tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn Thủ đô đạt hơn 23.500 tỷ đồng.


Kết nối hàng hóa giữa các địa phương sẽ giúp người dân có nhiều lựa chọn sản phẩm, đồng thời góp phần bình ổn giá. Trong ảnh: Đặc sản bày bán tại phiên chợ nông sản an toàn 2016.Ảnh: Khánh Huy


Song song với đó, nguồn cung hàng hóa của các địa phương được đánh giá là rất dồi dào. Vấn đề quan trọng nhất là phải hướng tới việc hình thành kênh phân phối bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết lập chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất tới tiêu thụ với chất lượng cao. Ngay tại hội nghị "Giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố năm 2016", đã có 21 nhà phân phối ký biên bản thỏa thuận kết nối với 265 DN, nhà sản xuất, hợp tác xã để đưa hàng hóa của các tỉnh về Hà Nội tiêu thụ trong dịp Tết, với trị giá hơn 17.000 tỷ đồng; đồng thời đưa hàng hóa của Hà Nội về các tỉnh tiêu thụ, với trị giá hơn 6.500 tỷ đồng.

Ông Vũ Đại Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, tỉnh sẽ xây dựng các cơ chế hỗ trợ DN phát triển mô hình nuôi trồng an toàn, truy xuất rõ nguồn gốc sản phẩm cung ứng cho thị trường Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái cũng khẳng định, Bắc Giang có nhiều sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước, như gà đồi Yên Thế, nấm Lạng Giang, mỳ Chũ... Tỉnh sẽ đẩy mạnh cung ứng thực phẩm có thương hiệu, bảo đảm an toàn để phục vụ người dân Thủ đô.

Thời gian qua, Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết vùng, kết nối cung - cầu với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong năm 2016, Hà Nội đã tổ chức cho 400 lượt DN tham gia các chương trình liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm; ký kết hơn 350 biên bản ghi nhớ, hợp đồng kinh tế đưa hàng hóa bảo đảm chất lượng của các địa phương về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, góp phần bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Ngược lại, Hà Nội hỗ trợ 20 tỉnh, thành quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm theo chuỗi cung ứng; liên kết đầu tư sản xuất và chuyển giao kỹ thuật cho các địa phương.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, nhiều địa phương đã chủ động đề xuất các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm, giúp DN chủ động sản lượng và thị trường tiêu thụ, đặc biệt là sản phẩm có tính thời vụ, nhờ đó khắc phục tình trạng “được mùa mất giá, mất mùa giá tăng”.

Sản phẩm an toàn không lo thiếu thị trường

Có thể thấy, các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết vùng, kết nối cung - cầu giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của các DN địa phương, đẩy mạnh lưu chuyển hàng hóa, đáp ứng nguồn cung cho thị trường Hà Nội trong dịp lễ, Tết.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội, tại các tỉnh còn ít DN lớn làm đầu mối thu mua hàng hóa cho bà con nông dân, đơn vị sản xuất, do đó, các DN của Hà Nội gặp khó khăn khi cần lượng hàng lớn, với chất lượng bảo đảm, đồng đều. Cùng quan điểm, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam cho biết, các hộ, hợp tác xã sản xuất hàng hóa, nông sản vẫn sản xuất theo tập quán truyền thống, nhiều loại nông sản chưa đáp ứng được chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì, bảo quản, vận chuyển...

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, hơn 200.000 DN của thành phố luôn ý thức việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, tạo ra một thị trường chung, cũng đồng nghĩa với việc hàng hóa trong nước nói chung, của Hà Nội nói riêng phải cạnh tranh khốc liệt hơn. Vì vậy, các DN cần chủ động, tích cực tham gia hợp tác sản xuất, kinh doanh; chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu hàng Việt bằng uy tín và chất lượng sản phẩm; chủ động đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội là thị trường tiêu thụ với sức mua lớn, hạ tầng thương mại được đầu tư đồng bộ, hiện đại, với 21 trung tâm thương mại, 118 siêu thị, 454 chợ, hơn 600 hệ thống cửa hàng tiện ích, 50 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm... có khả năng tập trung, phát luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu. Vì vậy, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị, các địa phương phối hợp, thông tin, định hướng cung - cầu, hướng dẫn DN, cơ sở, hộ sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn ISO, VietGAP, GlobalGAP...; nghiên cứu đầu tư lĩnh vực chế biến nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm hàng hóa cung ứng vào thị trường Hà Nội có nguồn gốc rõ ràng.

* Tối 1-12, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Công Thương khai mạc Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2016 tại Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Royal City (72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội). Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản dự. Tham gia hội chợ có hơn 200 gian hàng, với các mặt hàng được trưng bày phong phú, đa dạng, gồm nhóm sản phẩm: Thủy hải sản chế biến, bánh kẹo, chè - cà phê, đồ uống, thực phẩm chế biến, nông sản, thực phẩm tươi sống, gia vị...

* Cùng ngày, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho DN nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ý nghĩa lớn, hiệu quả thiết thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.