Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giai đoạn 2016-2020: Hà Nội bố trí 64.277 tỷ đồng cho các dự án xây dựng cơ bản

Vân Hà| 06/12/2016 09:45

(HNMO) - Sáng 6/12, HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết về dự án, công trình trọng điểm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Thành phố và danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ưu tiên phát triển của địa phương.


Nghị quyết đã được thông qua với 82,69% đại biểu tán thành.

Giai đoạn 2016-2020: Hà Nội bố trí 64.277 tỷ đồng cho các dự án xây dựng cơ bản

Theo báo cáo của Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Văn Tứ về tình hình thực hiện đầu tư công giai đoạn 2011-2015, tổng số vốn chi cho đầu tư phát triển của Thành phố giai đoạn này là 133.237 tỷ đồng, trong đó vốn phân cấp cho các quận, huyện, thị xã là 28.293 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển do Thành phố trực tiếp quản lý là 104.980 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn chi cho 956 dự án đầu tư công là 82.819 tỷ đồng.

Tính đến cuối kỳ giai đoạn 2011-2015 có 778 dự án hoàn thành, gồm 230 dự án về nâng cao năng lực hạ tầng giao thông, chống ùn tắc giao thông, xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo không gian phát triển KTXH, nâng cao giá trị đất đai và thu hút vốn đầu tư xã hội; 177 dự án về ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ, thủy lợi, phát triển nông nghiệp nông thôn; 224 dự án xây dựng trường học đạt chuẩn, xây dựng trường đào tạo nghề, xây dựng bệnh viện, các công trình văn hóa thể thao; 52 dự án về hỗ trợ cơ quan ngành dọc và 95 dự án về cải tạo, nâng cấp bảo đảm an toàn đê điều.

Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Văn Tứ.


Trên cơ sở nhu cầu của các đơn vị, địa phương cho giai đoạn mới, UBND Thành phố đã xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 của cấp thành phố Hà Nội.

Theo tính toán, tổng nhu cầu vốn đầu tư công theo đề nghị của các cấp, các ngành Thành phố trong 5 năm 2016-2020 là 249.315 tỷ đồng, trong đó nhu cầu đầu tư cấp thiết là 151.783 tỷ đồng (gồm đầu tư để hoàn thành 178 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2015, đầu tư để hoàn hành 102 dự án mới khởi công năm 2016, đầu tư 191 dự án mới...).

Với tỷ lệ điều tiết ngân sách là 35%, tổng cộng nguồn vốn đầu tư công cấp Thành phố là 90.910 tỷ đồng, sau khi đã ưu tiên bố trí thu hồi khoản ứng trước vốn ngân sách trung ương, vốn thanh quyết toán công trình hoàn thành và các khoản dự phòng bắt buộc 10% theo quy định của Luật đầu tư công, nguồn vốn đầu tư công 5 năm 2016-2020 còn lại là 80.391 tỷ đồng (năm 2016 đã bố trí 16.009 tỷ đồng, dự kiến 4 năm 2017-2020 là 64.382 tỷ đồng).

Trong điều kiện nguồn vốn hạn chế, Thành phố quyết định phân bổ cụ thể kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 của cấp Thành phố như sau: Chi hỗ trợ ngân sách cấp huyện theo nghị quyết 08/2015/NQ-HĐND ngày 1/12/2015 của HĐND Thành phố (bố trí 5 năm là 9.678 tỷ đồng); chi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và thành phố (bố trí 5 năm là 6.436 tỷ đồng); chi thực hiện các dự án xây dựng cơ bản tập trung của Thành phố (bố trí 5 năm là 64.277 tỷ đồng).

Đáng chú ý, nguồn vốn đầu tư công và các dự án cấp Thành phố được cân đối, phân bổ cho khối hạ tầng đô thị  trong 5 năm là 21.961 tỷ đồng, trong đó riêng bố trí cho 7 công trình trọng điểm Thành phố giai đoạn 2016-2020 là 5.300 tỷ đồng; các dự án sử dụng vốn ODA được bố trí 13.577 tỷ đồng, trong đó bố trí cho 6 công trình trọng điểm Thành phố giai đoạn 2016-2020 là 11.030 tỷ đồng; lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn được bố trí 11.642 tỷ đồng, trong đó bố trí cho 2 công trình trọng điểm Thành phố giai đoạn 2016-2020 là 5.050 tỷ đồng....

Với cách đổi mới phương án bố trí vốn theo nguyên tắc hàng dọc và tập trung như trên, tình trạng trượt giá, tăng tổng mức đầu tư sẽ được khắc phục, bảo đảm hiệu quả đầu tư. Các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 sẽ cơ bản hoàn thành trong giai đoạn này. Trước mắt, 274/280 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2015 và khởi công mới năm 2016 chuyển tiếp thực hiện sang giai đoạn 2017-2020 sẽ được hoàn thành trong các năm 2016, 2017, 2018; các dự án dự kiến khởi công mới giai đoạn 2017-2020 sẽ được hoàn thành trong các năm 2019, 2020.

Ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 3 HĐND Thành phố khóa XV


Các dự án, công trình trọng điểm và danh mục lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH ưu tiên phát triển giai đoạn 2016-2020 của Hà Nội

HĐND Thành phố đã nhất trí danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH ưu tiên phát triển của Thành phố giai đoạn 2016-2020. Cụ thể như sau:

- Kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng, môi trường: Đầu tư xây dựng hoặc cải tạo các cảng nội địa; bến, bãi đỗ xe theo quy hoạch, ưu tiên các bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ xe ngầm sử dụng công nghệ đỗ xe hiện đại, thông minh; Đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch; Đầu tư phát triển hệ thống điện; Đầu tư, phát triển hệ thống phương tiện vận tải công cộng.

- Công nghiệp, công nghiệp phụ trợ: Các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.

- Nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn: Đầu tư xây dựng các khu sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

- Xã hội hóa hạ tầng xã hội: Đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, nhà tái định cư; Đầu tư xây dựng, mở rộng bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, trường học, trung tâm văn hóa, thể dục thể thao, công viên; Đầu tư xây dựng, cải tạo khu du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử tại địa phương; Di chuyển, sắp xếp, hiện đại hóa các khu nghĩa trang.

Về các dự án công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020, tổng số dự án công trình trọng điểm là 52 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 503.374 tỷ đồng, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn này là khoảng 17.066 tỷ đồng.

Cơ cấu dự án được phân chia theo nguồn vốn, trong đó vốn đầu tư công gồm 29 dự án (tổng mức đầu tư khoảng 319.188 tỷ đồng), vốn đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP gồm 22 dự án (tổng mức đầu tư 160.186 tỷ đồng) và vốn đầu tư trực tiếp theo hình thức xã hội hóa là 1 dự án (tổng mức đầu tư dự kiến 24.000 tỷ đồng).

Về phân chia theo lĩnh vực, có 38 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị, 10 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa xã hội và 2 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Trong 52 dự án, công trình trọng điểm nói trên, dự kiến sẽ có 29 công trình hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng trong giai đoạn 2016-2020, 14 công trình hoàn thành sau năm 2020, 4 công trình hoàn thành xong các thủ tục đầu tư và khởi công trong giai đoạn 2016-2020 và 5 tuyến đường sắt đô thị hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để xúc tiến các thủ tục huy động, kêu gọi vốn đầu tư theo quy định.

Cần tập trung vào các dự án có hiệu quả cao nhất

Trước khi thảo luận và quyết nghị về các tờ trình của UBND Thành phố, các đại biểu đã nghe báo cáo thẩm tra tờ trình của Ban Kinh tế Ngân sách.

Ban Kinh tế Ngân sách cơ bản nhất trí với những đề xuất từ UBND Thành phố. Tuy nhiên, Ban đề nghị thuyết minh thêm về khả năng cân đối nguồn vốn, đặc biệt là vốn ODA, khả năng huy động quỹ đất cho các dự án BT, các dự án thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, không thuộc thẩm quyền của thành phố. Bên cạnh đó, Ban Thẩm tra lưu ý, những năm qua hoạt động huy động vốn và cho vay còn nhiều hạn chế nên cần có sự đổi mới, cải thiện các hoạt động này.

Đại biểu HĐND cho ý kiến về các tờ trình của UBND Thành phố


Quan điểm của Ban Kinh tế Ngân sách nhận được sự chia sẻ từ nhiều đại biểu. Đồng tình với các nội dung về đầu tư công trung hạn, nguyên tắc ưu tiên và thứ tự phân bổ vốn, đại biểu Đoàn Văn Trọng (Mê Linh) vẫn còn băn khoăn về dự án tuyến đường trung tâm huyện Mê Linh. Dự án này có tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng, chia thành 2 dự án riêng biệt, trong đó giai đoạn 2 chỉ đề cập tới phần mặt đường và không được đưa vào danh mục năm 2017.

Đại biểu Lê Trọng Khuê (Chương Mỹ) đề nghị lưu tâm tới một số dự án cho huyện Chương Mỹ, vì huyện thường bị tác động bởi mưa dồn, lũ quét trong mùa mưa bão hàng năm trong khi có nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trường hợp xảy ra vỡ đê hay tràn thì hậu quả rất lớn. Hiện nay, đê hữu sông Bùi đã được nâng cấp 1 đoạn khoảng 5 km, còn 10 km vẫn chưa được nâng cấp. Đại biểu đề nghị trong kế hoạch đầu tư công 2016-2020, UBND Thành phố và chủ đầu tư tập trung hoàn thành dự án này trước mùa mưa bão năm 2017.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư cho biết, do nhu cầu khởi công các dự án mới của Thành phố là rất lớn trong khi nguồn vốn có hạn nên Thành phố phải tập trung vào các dự án tiêu biểu, có hiệu quả nhất. Chính vì vậy, nhiều dự án, các huyện thấy cần phải triển khai ngay nhưng không được đưa vào danh mục đầu tư. Tuy nhiên, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ngành rà soát lại, bảo đảm các dự án được bố trí vốn thực hiện phải có hiệu quả cao nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giai đoạn 2016-2020: Hà Nội bố trí 64.277 tỷ đồng cho các dự án xây dựng cơ bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.