Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bao giờ được xử lý dứt điểm?

Kim Nhuệ| 16/02/2017 07:21

(HNM) - Thời gian qua, UBND TP Hà Nội liên tục có văn bản chỉ đạo, quận Tây Hồ cũng đã vào cuộc xử lý nhưng tình hình vi phạm pháp luật đê điều, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng ở khu vực bãi đá sông Hồng, phường Nhật Tân vẫn tiếp diễn.

Khu vực bãi đá vẫn mở cửa hoạt động dù đã có lệnh cấm.


Vi phạm kéo dài

Mặc dù ngày 25-1-2017, Văn phòng UBND thành phố có Văn bản số 702/VP-KT, truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu yêu cầu UBND quận Tây Hồ đình chỉ mọi hoạt động kinh doanh trái phép tại khu vực bãi đá sông Hồng thuộc địa bàn phường Nhật Tân, nhưng xâm nhập thực tế trong ngày 14-2, chúng tôi thấy khu vực này hoạt động vẫn tấp nập. Hàng trăm du khách đến đây tham quan, chụp ảnh đều phải nộp phí từ 10.000 đồng đến 50.000 đồng/người thông qua hình thức trông giữ phương tiện.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, từ năm 2008 đến nay, khu vực bãi đá nằm trong hành lang thoát lũ sông Hồng liên tục xảy ra vi phạm pháp luật đê điều, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng, với quy mô, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Nếu năm 2008, vi phạm chủ yếu là đổ phế thải, làm lều - lán tạm thì đến năm 2015 là đổ đất, phế thải xuống lạch sông Hồng, xây dựng móng nhà, làm đường bê tông, trồng hoa cây cảnh, khai thác du lịch… Tính đến nay, khối lượng phế thải đổ xuống bãi đá lên tới hàng trăm nghìn mét khối, với diện tích khoảng 12ha. Những vi phạm này gây cản trở dòng chảy, không gian chứa nước mùa lũ, gia tăng áp lực cho tuyến đê cấp đặc biệt hữu Hồng trong nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô.

Khi phát hiện các vi phạm trên, Hạt Quản lý đê số 2 đều lập biên bản, gửi thông báo đề nghị phường Nhật Tân xử lý nhưng đến nay vi phạm vẫn tồn tại. Bằng chứng, từ năm 2013 đến nay, Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão, Sở NN&PTNT, UBND TP Hà Nội, Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT đã ban hành 23 văn bản đôn đốc, yêu cầu phường Nhật Tân, quận Tây Hồ kiên quyết xử lý. Các cơ quan báo chí trung ương và Hà Nội, trong đó có Báo Hànộimới đã đăng tải nhiều bài viết phản ánh tình trạng vi phạm pháp luật đê điều tại khu vực này nhưng việc xử lý vi phạm rất ì trệ và không triệt để.

Cần quyết liệt vào cuộc

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch phường Nhật Tân Đặng Hữu Tiến cho biết: UBND phường đã kiểm tra và có thông báo đình chỉ mọi hoạt động kinh doanh tại khu vực bãi đá. Do đây là hành lang thoát lũ sông Hồng, không được phép đầu tư, xây dựng công trình nên phường chưa thỏa thuận cho tổ chức, cá nhân nào đầu tư xây dựng, kinh doanh cũng như chưa thu khoản thuế, phí nào. Vì vậy, tất cả các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại khu vực này là trái phép. Tuy nhiên, để cấm việc trông giữ phương tiện, thuê - cho thuê quần áo, đạo cụ phục vụ người chụp ảnh là rất khó vì đó là thỏa thuận cá nhân...(!)

Về xử lý vi phạm pháp luật đê điều, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho biết: Cuối năm 2016 và tháng 1-2017, quận đã tổ chức tháo dỡ 250m2 móng nhà, cổng chào khu vực vào bãi đá, 5 nhà lợp mái lá, lều lán... và một phần đường bê tông tại khu vực bãi đá; đào xúc khơi thông 15m rộng, 4m sâu lạch sông Hồng, đồng thời xây dựng 4 barie ngăn chặn xe vận chuyển đổ trộm phế thải vào bãi đá. Tuy nhiên, hiện tại khu vực này vẫn còn tồn tại một số tiểu cảnh, lều tạm, cây hoa, sân bê tông... UBND quận đã chỉ đạo phường Nhật Tân tiếp tục xử lý.

Ông Hoàng cũng cho biết thêm: Tháng 1-2017, Quận ủy Tây Hồ đã kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo của tập thể, cá nhân liên quan, đồng thời xây dựng kế hoạch trong quý II-2017, sẽ xử lý triệt để các vi phạm ở khu vực này.

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cũng thừa nhận công tác xử lý vi phạm đê điều, trật tự xây dựng, quản lý đất đai tại khu vực bãi đá, phường Nhật Tân trong thời gian qua chưa hiệu quả. Nguyên nhân là do lực lượng quản lý nhà nước của địa phương còn mỏng, trong khi nhu cầu xây dựng nhà ở, công trình rất lớn. Trên địa bàn quận lại chưa có bãi chứa nên một số đối tượng đổ trộm phế thải vào hành lang thoát lũ sông Hồng. Quận đang gấp rút hoàn thành đề án quản lý đất bãi ven sông, sau đó xin ý kiến các sở, ngành liên quan, báo cáo UBND thành phố cho phép giao cho tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả loại đất này trên cơ sở tuân thủ Luật Đê điều, chống đổ trộm phế thải vào hành lang thoát lũ...

Tuy nhiên, dư luận cho rằng nếu việc xử lý vi phạm ở khu vực bãi đá vẫn không quyết liệt và đồng bộ thì những mục tiêu quận Tây Hồ đặt ra khó thành hiện thực...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ được xử lý dứt điểm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.